Dưới 18 tuổi không được mua, bán thuốc lá
Với 440/468 ĐB có mặt tán thành, chiều 18.6, QH thông qua luật Phòng, chống tác hại thuốc lá.
|
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.5.2013, quy định một số hành vi bị nghiêm cấm, như: quảng cáo, khuyến mãi thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức; người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua hoặc bán thuốc lá; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua hoặc bán thuốc lá; bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi…
Cấm hút thuốc ở trường học, bệnh viện…
Ngoài ra, luật cũng quy định rõ các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn, như cơ sở y tế; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao; nơi làm việc; trường cao đẳng, đại học, học viện; trên các phương tiện giao thông công cộng.
Đáng chú ý, theo luật, người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá có quyền buộc người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; yêu cầu người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá ra khỏi cơ sở của mình; từ chối tiếp nhận hoặc cung cấp dịch vụ cho người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nếu người đó tiếp tục vi phạm sau khi đã được nhắc nhở…
Quy định đáng chú ý khác của dự luật là lập Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá và nêu rõ các nguồn hình thành quỹ gồm: khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình: 1% từ ngày 1.5.2013; 1,5% từ ngày 1.5.2016; 2% từ ngày 1.5.2019; nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; và nguồn thu hợp pháp khác.
Chỉ bảo hiểm tiền gửi VNĐ
Với sự tán thành của 464/470 ĐB có mặt, chiều 18.6, QH thông qua luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG), có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2013 tới.
Luật BHTG quy định chỉ bảo hiểm đối với tiền gửi của cá nhân, không bảo hiểm tiền gửi cho tổ chức; chỉ BHTG với tiền đồng Việt Nam.
Luật BHTG không quy định cụ thể hạn mức trả BHTG mà giao Thủ tướng quy định theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong từng thời kỳ để bảo đảm sự linh hoạt trong công tác điều hành của Chính phủ.
Cũng trong chiều 18.6, QH biểu quyết thông qua luật Phòng, chống rửa tiền với sự tán thành của 465/469 ĐBQH có mặt. Luật này quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trong phòng, chống rửa tiền và một số nguyên tắc phối hợp trong phòng, chống rửa tiền… Luật Phòng, chống rửa tiền giao Chính phủ quy định về mức giá trị giao dịch cần phải báo cáo cho phù hợp với từng thời kỳ, trên cơ sở đề xuất của NHNN. Về báo cáo giao dịch đáng ngờ, luật quy định đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo NHNN khi nghi ngờ hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có hoặc liên quan tới rửa tiền. Đồng thời, quy định rõ các dấu hiệu đáng ngờ trong giao dịch ở lĩnh vực ngân hàng, kinh doanh lĩnh vực bảo hiểm, trò chơi có thưởng, casino… Chẳng hạn, trong lĩnh vực ngân hàng, các giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ như có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản; tiền gửi vào và rút ra nhanh khỏi tài khoản; doanh số giao dịch lớn trong ngày nhưng số dư tài khoản rất nhỏ hoặc bằng không; tài khoản của khách hàng không giao dịch trên một năm, giao dịch trở lại mà không có lý do hợp lý; tài khoản của khách hàng không giao dịch đột nhiên nhận được một khoản tiền gửi hoặc chuyển tiền có giá trị lớn…
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2013.
Giáo dục ĐH phân thành 3 tầng
Chiều cùng ngày, QH thông qua luật Giáo dục đại học (GDĐH). Theo đó, tư tưởng xuyên suốt của luật là trao quyền tự chủ ở mức tối đa, phù hợp với năng lực thực hiện quyền tự chủ của cơ sở GDĐH. Tất cả các cơ sở GDĐH được tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực: tổ chức - nhân sự, tài chính - tài sản, đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng đào tạo…
Điều đáng chú ý của luật này là: cơ sở GDĐH được phân tầng nhằm phục vụ công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển, nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học của cơ sở GDĐH, thực hiện quản lý nhà nước.
Luật cũng quy định: cơ sở GDĐH được xếp hạng nhằm đánh giá uy tín và chất lượng đào tạo; phục vụ công tác quản lý nhà nước và ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước. Thủ tướng Chính phủ công nhận xếp hạng đối với ĐH, trường ĐH; Bộ trưởng Bộ GD-ĐT công nhận xếp hạng đối với trường cao đẳng…
Lương tối thiểu căn cứ vào nhu cầu sống Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được QH thông qua chiều 18.6, quy định: mức lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành. Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia. Mức lương tối thiểu ngành được xác định thông qua thương lượng tập thể ngành, được ghi trong thỏa ước lao động tập thể ngành nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố. Về quy định làm thêm giờ, luật nêu rõ: bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong 1 ngày, trong trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm. Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng. Về thời gian nghỉ hưu: người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. |
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.