Đường dài đến World Cup
Chiến thắng của U20 Việt Nam trước U20 Australia tại vòng chung kết U20 châu Á đem đến những tín hiệu tích cực cho bóng đá Việt Nam.
U20 Việt Nam thắng kịch tính U20 Australia |
Cho dù đội tuyển của Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn vẫn còn 2 trận đấu nữa tại vòng bảng, trước các đối thủ mạnh hơn là U20 Qatar và Iran, nhưng cũng không khó để nhận thấy sự tự tin, thái độ thi đấu sòng phẳng của các cầu thủ trẻ Việt Nam khi bước ra các sân chơi lớn của khu vực. Đó là sự tiến bộ rất rõ ràng và cần thiết, cho thấy bóng đá trẻ Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định.
Tại vòng chung kết U19 châu Á cách đây 6 năm, Việt Nam vào bán kết và giành vé dự U20 World Cup. Sau đó, U23 Việt Nam vào chung kết U23 châu Á 2018. Bốn năm sau, U23 Việt Nam tiến đến tứ kết giải vô địch châu Á – AFC Asian Cup. Lứa U20 hiện nay cũng cho thấy tiềm năng đáng kể, dù có thể họ không tái lập thành tích dự U20 World Cup như 6 năm trước do nằm trong bảng đấu quá nặng.
Xét về sự phát triển thế hệ thì bóng đá Việt Nam đang làm tốt, khoảng cách thời gian giữa các lứa cầu thủ được rút ngắn. Nếu như năm 2000, chúng ta có lứa U16 vào đến bán kết châu Á, thì phải mất đến 16 năm sau mới có đội U19 vượt qua được vòng đấu bảng của sân chơi châu lục. Nhưng sau đó, việc dự các vòng chung kết châu lục cũng như có cơ hội vượt qua vòng bảng nằm trong tầm tay của các đội tuyển U Việt Nam. Nói cách khác, từ chỗ tham gia để cọ xát, học hỏi, thì bây giờ, tham gia các giải châu lục là mục tiêu bắt buộc, đồng thời đòi hỏi về thành tích cũng lớn hơn, cụ thể hơn.
Sự tiến bộ này phù hợp với tầm nhìn World Cup của bóng đá Việt Nam. Để có một tấm vé dự World Cup, phải trải qua nhiều kỳ dự vòng loại, và để duy trì tham vọng thì phải liên tục có những lứa cầu thủ nối tiếp với cùng bản sắc và chất lượng chơi bóng. Thế nên, các tuyến U càng giữ được thành công tại những sân chơi trẻ thì đội tuyển quốc gia mới có đủ nguồn lực để tiến bộ, bên cạnh các yếu tố khác như tài chính, huấn luyện viên giỏi…
Trong lứa U20 hiện tại, có đến 8 cầu thủ của đội U17 từng được chọn làm “hạt giống đỏ” sang Đức học tập và cọ xát tập trung gần một năm. Một số cầu thủ khác nằm trong chương trình “Giấc mơ World Cup” từng được tập đoàn VinGroup bảo trợ. Đây là bằng chứng cho khả năng đầu tư của bóng đá Việt Nam đối với bóng đá trẻ.
Tân huấn luyện viên Troussier vừa khởi động nhiệm vụ tìm vé dự World Cup 2026 cho bóng đá Việt Nam bằng đội tuyển U22. Thế nhưng, việc ông phải vừa huấn luyện, vừa chỉ bảo từng động tác chơi bóng cơ bản cho cầu thủ trẻ cho thấy còn có sự hẫng hụt lớn trong việc phát triển kỹ năng của các cầu thủ mà về lý thuyết đáng lẽ đã phải chơi bóng đỉnh cao chuyên nghiệp.
Giải pháp toàn vẹn, thiết thực và hiệu quả vẫn là phát triển hệ thống thi đấu bóng đá trẻ đúng chuẩn quốc tế, thông qua các câu lạc bộ đang chơi tại giải chuyên nghiệp Việt Nam. Chỉ có các câu lạc bộ mới có sự đầu tư dài hạn cho những tuyến U. Nếu hệ thống thi đấu giải U diễn ra song song, có số trận đấu trong năm nhiều, thì sẽ tăng được giá trị cho các khoản tiền đầu tư. Một thương hiệu nếu tài trợ cho câu lạc bộ, cũng sẽ được quảng bá ở các trận đấu tuyến U, như vậy sẽ có thêm quyền lợi nên đồng ý rót thêm tiền quảng cáo, tài trợ cho các đội bóng. Cách làm này khả thi hơn việc vận động các doanh nghiệp tài trợ riêng cho bóng đá trẻ, vốn không có sự quảng bá rộng rãi.
Bóng đá trẻ là nền tảng của thành công và giấc mơ World Cup. “Đầu vào” cho giấc mơ đó luôn có sẵn, chưa thiếu tài năng nhưng vẫn đang thiếu một đường băng hoàn chỉnh để các cầu thủ trẻ có thể phát huy tài năng thông qua hệ thống thi đấu và sự quyết liệt trong việc đầu tư. Chỉ khi cầu thủ trẻ có được nhiều cơ hội thi đấu thì tấm vé World Cup mới đến nhanh được!
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.