Tiền Giang hội thảo phòng trừ sâu đầu đen hại dừa

(THTG) Ngày 16/10, tại huyện Chợ Gạo, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang tổ chức hội thảo về giải pháp phòng trừ sâu đầu đen gây hại cây dừa, với sự tham gia của các nhà khoa học thuộc Viện Cây ăn quả miền Nam, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo và nông dân trồng dừa các huyện Chợ Gạo, Châu Thành, Gò Công Tây và thành phố Mỹ Tho.

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Việt Bình

Bắt đầu từ tháng 8 năm 2024, sâu đầu đen tái nhiễm và có chiều hướng lây lan nhanh trên vườn dừa tỉnh Tiền Giang và đến thời điểm này toàn tỉnh có khoảng 280 ha bị nhiễm, tập trung nhiều ở địa bàn 03 xã Xuân Đông, Hòa Định và An Thạnh Thủy. Tỷ lệ gây hại từ 60 – 70%, có một số khu vực tỷ lệ nhiễm 100%, trong đó có một số diện tích dừa bị nhiễm nặng gần như không còn khả năng phục hồi.

Tiến sĩ Hồ Văn Chiến trình bày các giải pháp phòng trừ sâu đầu đen hại dừa tại hội thảo. Ảnh: Việt Bình

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã phân tích chuyên sâu về đặc điểm, khả năng gây hại của sâu, cũng như hướng dẫn nhà vườn trồng dừa giải pháp trong quản lý và phòng trừ tổng hợp. Theo đó, đối với vườn dừa nhiễm nhẹ thì cần cắt bỏ những tàu lá dừa bị hại và cây ký chủ đem tiêu hủy; áp dụng các biện pháp sinh học như bảo tồn, nhân nuôi và phóng thích các loài thiên địch ký sinh, bắt mồi; phun chế phẩm sinh học. Đối với vườn dừa nhiễm từ trung bình đến nặng thì cần cắt tỉa tiêu hủy tàu lá dừa bị hại trước khi phun thuốc BVTV; sử dụng hoạt chất Emamectin benzoate kết hợp với dầu khoáng để khống chế mật số sâu.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN và PTNT phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Việt Bình

Riêng Sở Nông nghiệp và PTNT khẩn trương phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện có trồng dừa tổ chức ra quân đồng loạt để phòng trừ sâu đầu đen, theo đó tập trung cao cho địa bàn 03 xã là: Xuân Đông, Hòa Định và An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo để ngăn chặn sâu lây lan ra các địa bàn khác.

Kim Nữ

Các bài viết liên quan