Tổng Bí thư Tô Lâm: Lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương kỷ luật cảnh cáo lãnh đạo chủ chốt của Đảng
Phát biểu với cử tri Hà Nội cuối buổi tiếp xúc cử tri 3 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng ngày 3-12, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định tinh thần chống tham nhũng không dừng lại. Con số 52 cán bộ bị kỷ luật tính từ đầu năm đến nay là bằng chứng cụ thể. Đây cũng là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương kỷ luật cảnh cáo lãnh đạo chủ chốt của Đảng.
Những thành tựu trong quá trình phát triển đất nước là rất đáng kể, song vẫn còn rất nhiều việc chưa làm được, trong khi thế giới đang phát triển quá nhanh. “Nếu mình cứ đi túc tắc, bình thản, vui sướng với kết quả đạt được, ngủ quên trên vòng nguyệt quế thì sẽ bị tụt hậu, bị bỏ xa”, Tổng Bí thư nhắc nhở.
Trả lời câu hỏi phải làm gì để đưa đất nước vào kỷ nguyên mới phát triển thịnh vượng, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra nhiều vấn đề cốt lõi.
Trước hết, đồng chí Tô Lâm nhấn mạnh, cần phải tăng cường vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, mạnh dạn thay đổi phương thức lãnh đạo phù hợp. Nhiều nhiệm kỳ Đại hội đã chỉ ra được những tồn tại nhưng vẫn chưa khắc phục được. “Bây giờ chính là thời cơ, muốn phát triển, bộ máy phải nhẹ mới bay được cao”.
“Tâm tư lắm nhưng phải vượt qua chính mình để làm điều có lợi cho dân tộc, đất nước, nhân dân”, Tổng Bí thư động viên.
Bên cạnh đó, theo người đứng đầu Đảng, phải tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế để phát triển. Đồng chí nhận định: “Tại sao đất nước không tiến được, con tàu không đi được? Mục tiêu là tiến lên nhưng lại bị hàng trăm dây buộc kéo lại, vì lợi ích cá nhân, vì tiêu cực tham nhũng, vì cài cắm quy định gây khó cho người khác, cho nhân dân”.
Trên quan điểm đó, Tổng Bí thư tái khẳng định, tinh thần chống tham nhũng không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; đồng thời phải đẩy mạnh chống lãng phí, quy được trách nhiệm nhưng không hợp thức hóa sai phạm.
Tổng Bí thư cho biết thêm, thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đã thi hành kỷ luật 6 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Tổng số cán bộ bị xử lý từ đầu năm đến nay là 52 cán bộ, trong đó có 48 cán bộ bị kỷ luật do liên quan đến các vụ án, vụ việc do Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) theo dõi, chỉ đạo. Đây là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương xử lý kỷ luật cảnh cáo cán bộ chủ chốt của Đảng, của Nhà nước.
Các cơ quan tố tụng khởi tố điều tra hơn 1.681 bị can, truy tố 1.479 bị can, xét xử sơ thẩm 2.703 bị cáo về tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ; trong đó có 3 bị can là cán bộ cao cấp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Đối với các vụ án, vụ việc do Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, trong giai đoạn điều tra truy tố đã kê biên, tạm giữ trên 6.150 tỷ đồng và nhiều tài sản giá trị khác.
Giai đoạn thi hành án thu hồi hơn 11.000 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay là trên 96.000 tỷ đồng.
Đối với Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, qua theo dõi và qua các báo cáo cho thấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô với tinh thần “Kỷ cương – Trách nhiệm – Hành động – Sáng tạo – Phát triển” đã thực hiện có hiệu quả 10 chương trình công tác, 5 định hướng lớn, 3 khâu đột phá, 20 chỉ tiêu và 14 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của thành phố nhiệm kỳ 2020-2025; cụ thể hóa và đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội từng bước đi vào cuộc sống, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đặc biệt, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với những cơ chế vượt trội để phát triển Thủ đô. HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch và phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng các nghị định để triển khai thi hành Luật Thủ đô, hy vọng rằng với những điều kiện mới, cơ chế mới, quyết tâm mới, lãnh đạo thành phố cùng nhân dân Thủ đô sẽ thực hiện khát vọng xây dựng Thủ đô Hà Nội thanh lịch, văn minh, hòa bình, hiện đại, phát triển và là trái tim của nhân dân cả nước.
Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư, Hà Nội còn rất nhiều việc cần làm, những vấn đề đặt ra cần giải quyết. Làm sao để Hà Nội giữ nét thanh lịch, văn minh, văn hiến từ ngàn xưa để lại trong bối cảnh xã hội phát triển như hiện nay đang là những câu hỏi lớn.
“Trả lời câu hỏi này, không chỉ là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp của Thủ đô Hà Nội mà đó còn là câu trả lời của mọi tầng lớp người dân Hà Nội, thậm chí là mỗi người dân Việt Nam”, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ.
Nguồn SGGP