FTA Việt Nam-EU: 65% hàng Việt sẽ được miễn thuế

Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, 65% mặt hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU sẽ hưởng mức thuế suất 0%.
Hiệp định có chất lượng cao nhất giữa Việt Nam- EU
Chiều 4/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và ông Franz Jessen, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã công bố kết thúc cơ bản đàm phán FTA giữa Việt Nam và EU.
FTA giữa Việt Nam – EU được khởi động đàm phán từ tháng 10/2010 với 14 phiên chính thức và nhiều phiên giữa kỳ. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đến thời điểm này đã có thể tuyên bố chính thức kết thúc toàn bộ các nội dung cơ bản của Hiệp định.
Bộ trưởng đánh giá, với mức độ đàm phán đã đạt được thì đây là Hiệp định toàn diện chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU.
Hiệp định gồm nhiều nội dung như: thương mại hàng hoá, quy tắc xuất xứ, hải quan, thuận lợi hoá thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật, mua sắm chính phủ…

1

Với FTA này, EU tôn trọng, thừa nhận trình độ phát triển của Việt Nam còn thấp và đã dành cho Việt Nam những ưu đãi, dành cho Việt Nam những lộ trình phù hợp để nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, việc ký kết FTA này sẽ giúp Việt Nam hội nhập thành công vào nền kinh tế toàn cầu với tư cách nền kinh tế thị trường.
Vì thế, hai bên đã đồng ý sẽ thúc đẩy nhanh các khâu còn lại để có thể chính thức ký kết trong năm 2015, tiến tới phê chuẩn Hiệp định.
Theo đó, sau khi Hiệp định được chính thức ký kết, sẽ có hàng loạt các vấn đề cần phải tiếp tục triển khai và tuyên truyền.
“Điều này Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương làm đầu mối chủ trì. Bằng các chương trình hợp tác giữa các bộ, ngành, các cơ quan của Việt Nam với nước ngoài, trong đó có EU, sẽ triển khai nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khả năng tiếp cận thông tin, điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và qua đó cùng tìm ra đề án, dự án hợp tác để hai bên cùng có lợi”, Bộ trưởng cho hay.
65% mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được miễn thuế
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, về xuất khẩu, FTA giữa Việt Nam và EU sẽ là cú huých quan trọng để thúc đẩy quan hệ thương mại hai bên, đồng thời giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là những sản phẩm hai bên có thế mạnh như dệt may, giày dép, nông thủy sản… của Việt Nam và máy móc, ô tô, xe máy, đồ uống có cồn và một số nông sản của EU…

Trong lĩnh vực đầu tư, các cam kết nhằm đảm bảo một môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng hơn trong Hiệp định sẽ giúp thúc đẩy luồng vốn đầu tư chất lượng cao của EU và cả các đối tác khác vào Việt Nam.

Các cam kết liên quan đến đầu tư, tự do hóa thương mại dịch vụ, mua sắm của Chính phủ, bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng sẽ mở ra cơ hội cho cả hai bên tiếp cận thị trường của nhau, đảm bảo lợi ích tổng thể, cân bằng.

Dù vậy, Bộ trưởng cũng cho rằng, song song với những thuận lợi có được sẽ là những khó khăn và thách thức. Bản thân từng doanh nghiệp qua việc nghiên cứu sẽ nhận thức đâu là thuận lợi để khai thác tối đa, nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng, giảm giá thành và mở rộng xuất khẩu ra ngoài.

“Thách thức là không nhỏ. Vì thế, bên cạnh vai trò dẫn dắt của nhà nước, doanh nghiệp phải chủ động trong kế hoạch đầu tư, sản xuất kinh doanh và đặc biệt là phải học tập kinh nghiệm của doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam trong khâu quản trị doanh nghiệp”, Bộ trưởng khuyến cáo.

Riêng lĩnh vực nông nghiệp, theo Bộ trưởng, khi Hiệp định có hiệu lực, các mặt hàng nông nghiệp, rau quả, thủy sản và gạo của Việt Nam sẽ được EU dành cho các ưu đãi thuế suất. Và để có được điều này, doanh nghiệp Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngược lại, một số sản phẩm EU có thế mạnh như lúa mỳ hoặc các sản phẩm hoa quả ôn đới, sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao mà Việt Nam đang thiếu sẽ được nhập vào Việt Nam.

Bộ trưởng khẳng định, Hiệp định giữa Việt Nam và EU hỗ trợ và bổ sung cho nhau, ít mang tính cạnh tranh. Đồng thời Hiệp định cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc Việt Nam hội nhập, tái cơ cấu nền kinh tế và đưa Việt Nam có vị trí quan trọng trong sân chơi rộng lớn.

Đại diện phía EU, ông Franz Jessen cho rằng, thách thức sẽ đến từ cả hai phía và thuộc về sự chủ động của các Bộ trưởng cũng như các đồng nghiệp liên quan đến Hiệp định.

“65% mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được miễn thuế ngay lập tức khi Hiệp định có hiệu lực. Sẽ còn rất nhiều vấn đề về kỹ thuật sẽ phải hoàn thành. Chúng tôi hy vọng việc ký kết chính thức Hiệp định giữa hai bên sẽ được tiến hành vào mùa thu năm nay”, ông Franz Jessen nói./.

Nguồn Tổ quốc