Gameshow thuần Việt vẫn “ao làng”
2 năm trở lại đây, gameshow thuần Việt đang ngày càng tăng nhanh về số lượng, tuy nhiên chất lượng thì vẫn còn phải nhìn lại…
Cho dù những gameshow format ngoại Việt hóa vẫn đang làm mưa làm gió trên các kênh truyền hình quốc gia giờ vàng vào cuối tuần, nhưng có lẽ khán giả đã bão hòa, thậm chí ngán bởi sự mòn cũ, thêm những chiêu trò kém văn hóa, nên đã có sự trở lại khá ngoạn mục các gameshow thuần Việt.
Trong vòng 2 năm trở lại đây, có thể thấy sự phát triển của gameshow thuần Việt nhanh như gió. Từ vài chương trình, nay đã có hơn 30 gameshow gần như kín sóng các ngày trong tuần (trừ thứ bảy, chủ nhật).
Nhưng, bởi tốc độ phát triển quá nhanh, các gameshow thuần Việt mới chỉ tăng về số lượng, chất lượng chưa thật đủ “tầm” để có thể “bao sân” và “lấy lòng” khán giả truyền hình cả nước, chỉ quanh quẩn ở các đài truyền hình địa phương, tập trung nhất là VTV9 (VTV phía Nam), HTV (TP.Hồ Chí Minh), THVL (Tỉnh Vĩnh Long) và một số đài truyền hình tỉnh thành tiếp sóng như Bình Dương, Cần Thơ…
Gameshow thuần Việt đang “nở nồi”
Có thể thấy việc “nở nồi” này qua việc ngày càng nhiều gameshow định dạng thuần Việt (gồm cả gameshow và truyền hình thực tế) lên sóng. Có thể điểm danh như: Vợ chồng mình hát, Cùng nhau tỏa sáng, Solo cùng boléro, Tôi là diễn viên, Tiếng hát mãi xanh, Người hát tình ca, Tình bolero, Cười xuyên Việt, Danh hài đất Việt, Hội quán tiếu lâm, Hò xự xang xế cống, Tiếu lâm tứ trụ, Làng hài mở hội, Sao nối ngôi, Hoán đổi, Tuyệt đỉnh song ca, Ngôi sao phương Nam, Phái mạnh Việt, Lò võ thiếu lâm, Vui cùng hoa lúa…
Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, có thêm một số gameshow thuần Việt mới lên sóng như: Điệp vụ đối đầu, Cặp đôi hài hước, Đường đến danh ca vọng cổ, Tạp dề tí hon, Hát cùng mẹ yêu, Tình Bolero hoan ca, Ai sẽ thành sao, Gương mặt truyền hình, Gương mặt điện ảnh…
Gameshow thuần Việt dù còn “non”, chưa có nhiều mùa thử thách, chủ yếu phát sóng ngày thường trên các kênh truyền hình địa phương khu vực phía Nam, nhưng đang chứng tỏ một vị thế lạc quan, khi được khán giả ưa thích.
Như Đường đến danh ca vọng cổ phát sóng trên kênh HTVC Thuần Việt, đã tạo được một sân chơi cho các fan cải lương, bởi một số ngôi sao cải lương nổi danh làm giám khảo, thu hút rất đông khán giả, lượng xem trên YouTube chiếm đến con số hàng chục triệu lượt view/tập.
Sao nối ngôi phát sóng trên THVL1 nằm trong top 3 gameshow có tỷ suất người xem cao nhất năm 2016 tại thị trường TP.Hồ Chí Minh, trên các trang mạng xã hội, thu hút gần 50 triệu lượt/tập tiếp cận tin tức, hình ảnh, video clip, đã giành được giải Mai Vàng 2016 từ bình chọn của khán giả.
Tình bolero hoan ca đang phát trên sóng THVL1 có tập đạt 24,10% lượt chia sẻ tại TP.Hồ Chí Minh (nguồn VietnamTam tháng 3/2017) hay Ngôi sao phương Nam phát sóng ngày 7/4/2017 trên THVL 1 đạt 23,16 % lượt chia sẻ, đứng đầu Top 20 chương trình giải trí ăn khách ở TP.HỒ Chí Minh ( trong khi Hòa âm ánh sáng- The Remix, format nước ngoài đang phát sóng trên VTV3 chỉ đạt 5,65%…
Không bỏ lỡ cơ hội, một số “đại gia” về gameshow ở Việt Nam dù vẫn tiếp tục mua fomat nước ngoài đang ăn khách, cũng đã bắt đầu hướng đầu tư lớn vào các gameshow thuần Việt như BHD: Phái mạnh Việt, Hoán đổi… ;
Tập đoàn Đất Việt: Người hát tình ca, Ai sẽ thành sao; Khang Media: Tình Bolero hoan ca, Ngôi sao phương Nam, Cười xuyên Việt); Jet Studio: Sao nối ngôi, Làng hài mở hội, Gặp nhau cùng cười; May Q Media: Tiếng hát mãi xanh, Vợ chồng mình hát.
Ngoài THVL hai năm gần đây mạnh lên nhờ gameshow thuần Việt thì từ đầu năm 2017 đến nay, HTV TP.Hồ Chí Minh cũng đã hào phong cho một loạt gameshow thuần Việt lên sóng: Hát cùng mẹ yêu, Điệp vụ đối đầu, Gương mặt truyền hình, Đường đến danh ca vọng cổ… .
Nói “không” với chiêu trò và scandal
Nhìn vào nội dung rõ ràng thấy gameshow thuần Việt không nặng thi thố tài năng để giành giải thưởng có giá trị vật chất cao, mà thiên về giải trí, mang tính tinh thần chủ yếu. Đặc biệt hướng tới sự gắn kết cộng đồng, tôn vinh khôi phục các giá trị đạo đức truyền thống văn hóa trong gia đình, xã hội và định hướng người xem đến các tiêu chí chân- thiện- mỹ.
Có thể thấy như trong Tiếng hát mãi xanh, ngoài sân chơi phát hiện những giọng ca hay, còn là những câu chuyện cảm động về nghị lực vượt khó để thỏa đam mê ca hát của những người không có cơ hội làm ca sĩ, hay ít có cơ hội được đứng tiếp trên sân khấu khi đã luống tuổi. Hát cùng mẹ yêu ngoài biết thêm tài năng không chuyên của một số nghệ sĩ trung niên, công chúng còn thấu hiểu tình cảm mẹ con của người nổi tiếng.
Sao nối ngôi là sợi dây kết nối tình cảm giữa các thế hệ trong những gia đình nghệ sĩ, góp phần khơi dậy tình yêu những loại hình nghệ thuật truyền thống như cải lương, tuồng cổ không chỉ ở việc “cha truyền con nối” mà còn để khán giả hiểu và yêu thương, đồng hành hơn trong việc giữ gìn cho các thế hệ mai sau. Đường đến danh ca vọng cổ đã tạo được một sân chơi đặc biệt cho những người trẻ yêu cải lương, góp phần mang hơi thở mới cho sân khấu cải lương…
Nhìn vào các tập phát sóng của gameshow thuần Việt thấy rõ “chiêu” hút khán giả chính là không “giở trò” lấy nước mắt bằng đời tư thống khổ, hay tạo tình huống gây sốc, cũng như bày trò để các thí sinh và fan “nổ” trên mạng xã hội. Mà các gameshow thầun Việt diễn mà không diễn, mang đến sự đồng cảm, chia sẻ cùng khán giả.
Nhưng chưa thoát khỏi “ao làng”
Thời gian còn quá ngắn để đánh giá sự bền lâu của gameshow thuần Việt, dù sự trở lại và lên sóng ồ ạt, chiếm lượng khán giả nhiều, có nhiều “đại gia” đầu tư sản xuất, báo hiệu rất lạc quan, có thể sánh với nhiều gameshow format ngoại. Nhưng nếu tỉnh táo để nhìn nhận và phân tích dưới nhiều góc độ, thì gameshow thuần Việt còn nhiều hạn chế.
Vì đây là một lĩnh vực giải trí “sinh sau đẻ muộn” và phần lớn học lỏm (chứ không qua đào tạo chuyên nghiêp) từ các gameshow nước ngoài, nên nội dung nhiều gameshow thuần Việt cứ na ná nhau, nhất là các gameshow hài: Cười xuyên Việt, Tiếu lâm tứ trụ, Cặp đôi hài hước… Ca hát: Cùng nhau tỏa sáng, Ngôi sao phương Nam, Tình Bolero, Ai sẽ thành sao, Tuyệt đỉnh song ca…
Lại có một số gameshow mang tiếng “thuần Việt” nhưng nội dung thì cứ như bản sao F1, F2 của một số gameshow nước ngoài: Gương mặt truyền hình 2017 có format như The Voice, chỉ khác là đào tạo MC giỏi; Ai sẽ thành sao các vòng thi như Mặt nạ ngôi sao, Giọng hát Việt, Gương mặt thân quen…
Thêm nữa, do tính thuần Việt, do “trình” của những nhà sản xuất về văn hóa Việt hạn chế, nên sự sáng tạo không cao, khán giả có thể thấy mới lạ ban đầu khác với các gameshow format ngoại nên hào hứng, nhưng nếu như phát triển thêm mấy mùa e sẽ đuối vì khán giả “cả thèm chóng chán”.
Điểm hạn chế nữa của gameshow thuần Việt là tính tương tác chưa cao, việc phủ sóng chưa rộng, vẫn “khoanh vùng” địa phương, “khoanh vùng” nội dung, nên ở mức độ nào sự đa dạng và phong phú chưa đáp ứng khán giả trong nước nói chung, chưa nói đến việc có thể bán format cho nước ngoài.
Điểm sáng nhất là có thể thấy gameshow thuần Việt đang phát triển, đang có thể lấn sân nhiều gameshow format ngoại. Và nếu như đầu tư một cách bài bản chuyên nghiệp, không theo kiểu thời vụ, “ăn xổi ở thì”, thì gameshow thuần Việt có thể là chương trình giải trí có giá trị Việt cao.
Nguồn VOV
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.