Gần 2.000 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Ngày 28/6, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tổ chức hội nghị sơ kết kết quả 6 tháng đầu năm và phương hướng thực hiện 6 tháng cuối năm 2016.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị sơ kết kết quả 6 tháng đầu năm và phương hướng thực hiện 6 tháng cuối năm 2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, tính đến hết tháng 5/2016, cả nước có 1.965 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), chiếm 22%, tăng 4,9% so với cuối năm 2015; còn 326 xã đạt dưới 5 tiêu chí (3,65%); 23 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhân đạt chuẩn NTM (tăng thêm 8 huyện so với cuối năm 2015).
Về nguồn lực đầu tư xây dựng NTM đạt khoảng 263.127 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương đã bố trí 7.374 tỷ đồng, phần còn lại vốn địa phương, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, Chương trình xây dựng NTM đang xuất hiện tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại nhiều địa phương. Tính đến nay, tổng số nợ đọng tại 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khoảng 15.212 tỷ đồng.
Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2016, cả nước có khoảng 25% số xã đạt chuẩn NTM, 30-35 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, số tiêu chí bình quân tại các xã trong cả nước tăng thêm 1,12 tiêu chí so với năm 2015; số xã đạt dưới 10 tiêu chí còn khoảng 25%.
Theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ NN&PTNT (Ban Kinh tế Trung ương), hiện nay, với 326 xã đạt dưới 5 tiêu chí (tập trung ở các tỉnh miền núi phía bắc), nên có các đề án riêng để các xã và huyện này tập trung đầu tư theo hướng của các xã miền núi. Bên cạnh đó, các tỉnh có số lượng các xã dưới 5 tiêu chí lớn, nên có chương trình riêng để bảo đảm các tỉnh này công bằng trong việc đầu tư đất đai, phân bổ nguồn vốn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Thanh Long nêu ý kiến: Hiện nay vẫn còn tình trạng nợ tiêu chí ở các xã, cùng với đó là vấn đề duy trì các tiêu chí đã đạt được hiện nay ra sao, theo hướng như thế nào. Một số tiêu chí có biến động như thu nhập thì cần có những đánh giá sát sao hơn.
“Bản chất của xây dựng nông thôn là hướng tới người dân có thu nhập được cao hơn. Đồng thời chúng ta cần đánh giá những tiêu chí nào khó đạt nhất để có những chính sách tháo gỡ, ví dụ như các tiêu chí về xử lý rác thải, vệ sinh môi trường…”, Thứ trưởng Trần Thanh Long đề nghị.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định: “Chúng ta có nhiều vấn đề đang cần điều chỉnh cho hiệu quả hơn, đáp ứng mong mỏi của người dân. Theo Nghị quyết của Quốc hội, hiện nay chúng ta có 2 chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng chỉ có một Ban Chỉ đạo do Thủ tướng làm Trưởng ban. Với cơ cấu ban gọn nhẹ và tập trung, tới đây hy vọng sẽ tạo ra một khuôn khổ để chấn chỉnh chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương trong công tác xây dựng NTM”.
Trong hội nghị hôm nay, Thường trực Ban Chỉ đạo cũng đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tạm ứng kinh phí (20 tỷ đồng) cho các bộ, ngành Trung ương theo phương án đề xuất của Bộ NN&PTNT.
Đồng thời cần rà soát và trình Thủ tướng Chính phủ phương án tăng thêm kinh phí kiểm tra, giám sát cho Cơ quan thường trực Chương trình và bố trí đủ kinh phí (tối thiểu bằng dự toán năm 2015) cho các bộ, ngành Trung ương tương ứng với các nhiệm vụ đã được bổ sung vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 để tiếp tục thực hiện trong năm 2016.
Nguồn Chinhphu.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.