Giá điện tăng, EVN vẫn than khó
Với 8 tháng còn lại trong năm 2023, khi tăng giá điện 3% từ ngày 4-5, doanh thu của EVN ước tăng khoảng 8.000 tỉ đồng
Giá điện sinh hoạt cao nhất: 3.015 đồng/KWh
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã ký Quyết định 1062 quy định về giá bán điện, trên cơ sở giá bán lẻ điện bình quân nêu trên. Theo đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt như sau: Bậc 1 (từ 0 – 50 KWh) là 1.728 đồng (tăng 50 đồng/KWh), bậc 2 (từ 51 – 100 KWh) là 1.786 đồng (tăng 52 đồng/KWh), bậc 3 (101 – 200 KWh) là 2.074 đồng (tăng 60 đồng/KWh), bậc 4 (201 – 300) là 2.612 đồng (tăng 76 đồng/KWh), bậc 5 (301 – 400 KWh) là 2.919 đồng (tăng 85 đồng/KWh), bậc 6 (từ 401 KWh trở lên) là 3.015 đồng (tăng 88 đồng/KWh).
Thông tin cụ thể hơn về việc điều chỉnh giá điện với nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết theo tính toán của doanh nghiệp (DN) này, tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50 KWh/tháng là 2.500 đồng/hộ (khoảng 3,33 triệu hộ, chiếm 11,98% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt). Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 100 KWh/tháng là 5.100 đồng/hộ (4,7 triệu hộ, chiếm 16,85%).
Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 200 KWh/tháng là 11.100 đồng/hộ, (khoảng 10,04 triệu hộ, chiếm 36,01%). Đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỉ trọng lớn nhất. Đối với hộ tiêu thụ 300 KWh/tháng, số tiền điện tăng thêm là 18.700 đồng/hộ (khoảng 4,96 triệu hộ, chiếm 17,81%). Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 400 KWh/tháng là 27.200 đồng/hộ (khoảng 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95%).
Cũng theo Quyết định 1062 của Bộ Công Thương, giá bán điện cho ngành sản xuất được chia theo cấp điện áp và khung giờ thấp – cao điểm và bình thường. Theo đó, cấp điện áp từ 110 KV trở lên, giá điện dao động 999 – 2.844 đồng/KWh tùy khung giờ cao, bình thường và thấp điểm. Cấp điện áp 22 KV đến dưới 110 KV, giá 1.037 – 2.959 đồng/KWh, tùy khung giờ. Cấp điện áp 6 KV đến dưới 22 KV, giá bán 1.075 – 3.055 đồng/KWh, tùy khung giờ. Ở cấp điện áp dưới 6 KV, giá bán lẻ điện là 3.171 đồng, giờ bình thường là 1.738 đồng và thấp điểm 1.133 đồng/KWh. Với khối hành chính sự nghiệp, giá bán lẻ điện mới là 1.690 – 1.940 đồng/KWh tùy khung giờ, cấp điện áp.
Theo tính toán của EVN, với hơn 1,8 triệu hộ sản xuất, bình quân mỗi tháng một hộ sản xuất trả tiền điện là 10,6 triệu đồng. Sau khi tăng giá, mỗi tháng sẽ trả thêm 307.000 đồng.
Giá điện tăng sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp. Ảnh: TẤN THẠNH
EVN đề xuất tăng ở mức cao hơn
Với quyết định nêu trên, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng sau hơn 4 năm giữ nguyên ở mức 1.864,44 đồng/KWh. Theo quy định tại Quyết định 24 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, mức tăng 3% thuộc thẩm quyền của EVN. Tuy nhiên, việc tăng giá điện đã được báo cáo Bộ Công Thương, Chính phủ xem xét, đồng ý về chủ trương.
Tại buổi cung cấp thông tin về điều chỉnh giá điện chiều 4-5 của EVN, phóng viên Báo Người Lao Động đã đặt câu hỏi về việc trong đề xuất lên cấp có thẩm quyền, EVN có đưa ra phương án tăng giá điện cao hơn mức 3% hay không? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc EVN, không tiết lộ cụ thể nhưng cho biết EVN đề xuất tăng ở mức cao hơn 3%. “Trong bối cảnh chung của nền kinh tế, Bộ Công Thương, Chính phủ chỉ đạo mức tăng phù hợp để giảm thiểu tác động ở mức thấp nhất có thể. Do đó, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo EVN tăng giá bán lẻ điện bình quân tối đa ở mức 3% so với hiện hành” – ông Nam nói.
Ông Nguyễn Xuân Nam cho biết với 8 tháng còn lại trong năm 2023, khi tăng giá điện 3%, doanh thu của EVN ước tăng khoảng 8.000 tỉ đồng. Con số này giúp giảm thiểu khó khăn tài chính cho EVN nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn trước mắt trong việc bảo đảm cân đối đủ điện.
Dưới góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, đánh giá việc tăng giá điện có tác động nhất định đến CPI nhưng không lớn. Mức tăng 3% bảo đảm việc điều hành giá có lộ trình, không giật cục, hài hòa lợi ích các bên.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.