Gia đình – Nguồn lực và trách nhiệm trong một thế giới đang thay đổi
Cách đây 22 năm, năm 1994 đã được Đại hội đồng Liên hiệp quốc chọn là năm quốc tế gia đình với chủ đề: “Gia đình – Nguồn lực và trách nhiệm trong một thế giới đang thay đổi”.
Cho đến nay, chủ đề đó vẫn là thời sự nóng hổi. Bởi gia đình luôn là vấn đề bức xúc của mọi quốc gia, nỗi kỳ vọng cứu vớt những gía trị tinh thần của thời đại chúng ta đang sống, khi mà các chuẩn mực gia đình, cơ cấu gia đình đang từng giờ từng phút tan ra như tảng băng dưới hai sức nóng của hình thái kinh tế tri thức và hình thái kinh tế thị trường.
Gia đình là tế bào của xã hội và là môi trường tự nhiên cho sự phát triển của mọi thành viên, đặc biệt là trẻ em. Văn kiện Đại hội đồng liên hiệp quốc về trẻ em tháng 5/2002 cũng đã tiếp tục khẳng định: “Gia đình là đơn vị cơ bản của xã hội, cần được củng cố. Gia đình được quyền tiếp nhận sự hỗ trợ và bảo vệ toàn diện, đồng thời có trách nhiệm đầu tiên trong việc bảo vệ, nuôi dưỡng và phát triển trẻ em. Xã hội càng văn minh, cuộc sống càng ổn định, đời sống càng cao thì gia đình càng trở thành địa hạt quan trọng, bền vững, nơi ươm mầm cho sự định hình và phát triển mọi tiềm năng của xã hội tương lai. Không có gia đình tốt, không thể có xã hội tốt. Không có đứa con tốt, càng không thể có một người công dân tốt.
Nhiều dân tộc, nhiều quốc gia trên thế giới đã phải đương đầu với những hậu quả xã hội do thất bại trong chiến lược gia đình hoặc do chưa đánh giá hết tầm quan trọng của vai trò, chức năng, vị trí gia đình trong đời sống xã hội. Một khi gia đình không còn là lá chắn an toàn trước những tệ nạn xã hội, trước những làn sóng văn hóa ngoại lai đang tràn đến theo các mối quan hệ giao thoa văn hóa, theo các phương tiện truyền thông, thông tin hỗn mang không biên giới, không thể kiểm soát nổi thì nguồn lực gia đình, an ninh gia đình, tiềm năng đầu tư con người của gia đình cho xã hội sẽ không còn đáng tin cậy nữa. Những sản phẩm con người mà gia đình bàn giao cho xã hội sẽ là những thứ phẩm. “Cơ thể xã hội” sẽ tiếp nhận những tế bào đầy khuyết tật từ tế bào không hoàn thiện của gia đình.
Sự khủng hoảng gia đình, sự thay đổi của cơ cấu gia đình, sự lung lay của “an ninh gia đình” chịu ảnh hưởng từ hai phía: Đó là những ảnh hưởng của môi trường xã hội và sự tương tác của các thành viên bên trong gia đình. Mà sự tương tác của các thành viên trong gia đình lại chịu sự tác động gián tiếp của xã hội. Suy cho cùng, gia đình chịu sự tác động cực kỳ to lớn, có ý nghĩa quyết định của môi trường xã hội. Vậy xã hội cần có chính sách như thế nào. Cần xây dựng và triển khai chiến lược gia đình ra sao? Làm gì để bảo vệ an ninh gia đình – cốt lõi của an ninh xã hội? Làm gì để ngăn chặn khủng hoảng, dẫn đến việc phá vỡ cơ cấu gia đình trong tiến trình biến động, phát triển mạnh mẽ của đời sống kinh tế – chính trị – xã hội?
Sự vận động đi lên của xã hội, sự chuyển đổi nền kinh tế, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, kinh tế tri thức… đã đặt người lao động trong một cộng đồng rộng lớn và trở thành một bộ phận của cộng đồng đó. Người lao động không tách rời đơn lẻ và không chỉ di chuyển từ nhà ở tới nơi làm việc. Vì vậy người lao động cần được sống trong một cộng đồng có trách nhiệm với gia đình, trong đó cần được đầu tư các dịch vụ và nguồn lực hỗ trợ gia đình.
Bằng mọi nỗ lực, các quốc gia phát triển đang cố gắng cứu vớt sự sụp đổ của các cấu trúc gia đình, khi mà nó đang trở thành nguyên nhân của các vấn đề xã hội nóng bỏng. Các giá trị gia đình dù mạnh đến đâu vẫn có thể bị thay đổi bởi những áp lực kinh tế đang tăng lên chóng mặt. Sự phát triển công nghệ và đô thị hóa lôi cuốn lớp trẻ rời nông thôn tràn về thành thị, khuyến khích phụ nữ đi làm kiếm tiền thay vì ở nhà nội trợ, lệ thuộc vào người chồng. Khi tự do cá nhân, khi cái “tôi” của con người được đề cao thì những ràng buộc trong mối quan hệ chồng – vợ dễ dẫn đến đổ vỡ từ những rạn nứt nhỏ mà trước đây có thể hàn gắn được.
Công nghiệp hóa càng ngày càng giải phóng cá nhân khỏi sự kiểm soát chặt chẽ của gia đình và cộng đồng. Nó tạo cho cá nhân nhiều khả năng lựa chọn mới phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng, đặc thù nghề nghiệp, không gò ép vào một hình thức gia đình duy nhất. Tự do cá nhân với các yếu tố tâm lý, tình cảm làm cho hôn nhân gia đình mất dần đi chức năng kiểm soát tình dục và các hành vi cá nhân. Tội phạm vị thành niên ở Việt Nam nói riêng, châu Á nói chung đang gia tăng ở nhiều nơi, tương tự như xã hội phương Tây. Sự cám dỗ của xã hội vật chất với các nhu cầu thoả mãn ham muốn cá nhân đã cuốn giới trẻ tiêu xài phung phí, rượu chè, khiêu vũ xa hoa ở Hàn Quốc, Malaysia và nhiều quốc gia khác.
Ở Việt Nam, kinh tế thị trường đã tác động làm thay đổi cả các mối quan hệ gia đình ở nông thôn chứ không dừng lại các gia đình ở thành thị nữa. Kinh tế thị trường kích thích chủ nghĩa cá nhân, làm suy yếu chuẩn mực đạo đức gia đình, làm biến đổi cả chuẩn mực trong quan hệ cha mẹ với con cái. tính độc lập của con cái trong cuộc sống được mở rộng. Con cái hòa nhập vào đời sống xã hội sớm hơn. Đồng nghĩa với thời gian kiểm soát các hành vi con cái của cha mẹ cũng bị thu ngắn lại. Trong quan hệ vợ chồng, có xu hướng bình đẳng hơn, do thay đổi trong phân công lao động, do điều kiện tham gia vào đời sống kinh tế – chính trị xã hội của phụ nữ được phát huy, dẫn đến khả năng tự chủ, độc lập kinh tế giữa vợ và chồng cao hơn. Quan hệ vợ chồng lỏng lẻo hơn nhưng xung đột lại nhiều hơn. Ở nông thôn mặc dù các giá trị truyền thống vẫn còn chiếm ưu thế, song các quan hệ gia đình, quan hệ xã hội đã có nhiều thay đổi với sự phát triển của ý thức cá nhân, tính năng động của cá nhân.
Vấn đề người cao tuổi trong gia đình Việt Nam cũng đang đặt ra những yêu cầu mới cho xã hội.
Việt Nam đã bước vào giai đoạn “già hóa dân số” với số lượng và tỷ lệ người cao tuổi đang ngày càng tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, người cao tuổi Việt Nam chủ yếu sống ở nông thôn (gấp 2,6 lần khu vực thành thị), làm nông nghiệp và là nông dân. Đời sống vật chất của người cao tuổi còn gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ có gần 30% người cao tuổi có lương hưu hoặc trợ cấp từ nhà nước. Có tới 70-80% người cao tuổi phải tự kiếm sống hoặc nhờ vào sự nuôi dưỡng và chăm sóc của con cái.
Thực tế cho thấy, tỉ lệ gia đình truyền thống vẫn chiếm đa số so với gia đình hạt nhân. Tuy nhiên, đời sống vật chất và tinh thần của người già đang rất cần được quan tâm chăm sóc. Tỉ lệ các cụ ở khu vực đô thị muốn sống riêng một mình cao gấp đôi ở nông thôn chứng tỏ khi đời sống kinh tế phát triển, người già có nguồn thu nhập khá, tự chủ được cuộc sống của mình thì nhu cầu đáp ứng đời sống tinh thần ngày càng cao hơn. Khi đó yếu tố tác động để tăng nhanh tỉ lệ gia đình hạt nhân trong xã hội phát triển xuất phát từ cả hai phía; người già và lớp trẻ.
Trong gia đình Việt Nam hiện đại, tình trạng người phụ nữ từng bước được cải thiện nhưng cũng đang phát sinh những tổn thương mới, cần được quan tâm. Sự phân biệt đối xử về mặt xã hội giữa nam và nữ không còn. Gia đình không là trở ngại cho sự thăng tiến của người phụ nữ. Thế nhưng người phụ nữ lại đang gồng lên trên đôi vai mảnh mai của mình cả chức năng gia đình và chức năng xã hội. Đặc biệt, nhiều phụ nữ bị cuốn vào các hoạt động xã hội mà mất đi cơ hội xây dựng gia đình, thậm chí mất đi cả thiên chức làm mẹ. Các dạng gia đình mới xuất hiện: gia đình độc thân, gia đình không hoàn thiện, gia đình không có người cha…
Xã hội càng phát triển thì thực trạng li hôn càng đáng báo động, dẫn đến sự sụp đổ của cơ cấu gia đình, đe dọa nghiêm trọng sự an toàn và phát triển trẻ thơ. Những xung đột xuất phát từ ngoại tình, từ lối sống ích kỉ, vô trách nhiệm, từ sự trái ngược của tính cách… Nguyên nhân ly hôn bắt nguồn chủ yếu từ đôi vợ chồng chứ không phải tác động từ phía gia đình nội ngoại như trước đây. Tỉ lệ phụ nữ đứng đơn li hôn cao hơn nam giới. Lớp người có trình độ văn hóa cao li hôn nhiều hơn những người có trình độ văn hóa thấp. Trong những gia đình có mức sống khá hoặc trung bình thường xảy ra li hôn cao hơn những gia đình nghèo.
Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc vừa là mục tiêu vừa là động lực trong xây dựng đất nước ngày càng hiện đại và mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Ngày 29-5-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 629/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đây là quyết định quan trọng, tạo khung chính sách về phát triển gia đình, giúp gia đình phát triển ngày càng no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
Để triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, còn rất nhiều vấn đề đặt ra trong lĩnh vực gia đình cần giải quyết, trước xã hội đang phát triển đầy biến động, giữa một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Trong bối cảnh đó, xu hướng phát triển của gia đình Việt Nam không thể không bị cuốn theo bởi những tác động của một thế giới mới, của cơn lốc xoáy thời đại với sự giao thoa mạnh mẽ giữa các nền văn hóa; sự nhào trộn các giá trị; sự xâm lấn các chuẩn mực đạo đức; sự hoà nhập đời sống tinh thần và văn minh các châu lục.
Luật Hôn nhân và Gia đình được sửa đổi, bổ sung với rất nhiều điểm tiến bộ, nhưng liệu có đủ khả năng chế tài để can thiệp vào tất cả các vấn đề nhạy cảm trong lĩnh vực gia đình. Cần xây dựng hệ thống chính sách trực tiếp tác động đến hiệu quả của chiến lược gia đình như thế nào? Chính sách phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi; Chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình; Chính sách xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội; Chính sách phân bổ dân cư; Chính sách chăm sóc y tế, giáo dục; Chính sách hỗ trợ nguồn lực cho gia đình có mức sống thấp, v.v và v.v…
Gia đình là nguồn lực đầy tiềm năng đồng thời có trách nhiệm vô cùng lớn trước xã hội! Đầu tư của xã hội cho gia đình chính là sự đầu tư hạt giống cho một thế giới mới; Chiến lược phát triển gia đình Việt Namchính là chiến lược về con người, về nguồn lực thúc đẩy sự phát triển xã hội trong một thế giới đang thay đổi. Tiêu chí xây dựng gia đình No ấm, Bình đẳng, Tiến bộ và Hạnh phúc được đặt ra trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hàng năm chính là tiêu chí nền tảng cho mục tiêu Dân giàu, Nước mạnh, Xã hội Công bằng, Dân chủ, Văn Minh.
Lê Cảnh Nhạc
Nguồn GiadinhNet
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.