Giá gà giảm mạnh, người nuôi lỗ nặng
Giá gà công nghiệp lông trắng chỉ còn 12.000 đồng đến 14.000 đồng/kg, chưa thấy có dấu hiệu tăng trở lại
Không dám “treo” chuồng
Tình trạng giá gà “rớt không phanh” được giới chăn nuôi giải thích là do thời gian qua đã tăng đàn gà ồ ạt, cùng lúc đó nguồn hàng nhập khẩu tràn về quá nhiều dẫn đến thừa nguồn cung.
Người nuôi gà đang lỗ nặng nhưng giá mặt hàng này trong siêu thị vẫn cao Ảnh: Tấn Thạnh
Nhiều chủ trại gà thừa nhận đang lỗ nặng, nợ nần chồng chất và đứng trước nguy cơ phá sản, trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi. Các chủ trại chăn nuôi gà ở Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu cho hay thời điểm tháng 4, giá gà công nghiệp còn ở mức 25.000 đồng/kg nhưng từ tháng 5 đến tháng 8, rớt xuống 18.000-20.000 đồng/kg. Hai tuần qua, giá gà lông trắng giao dịch tại trại chỉ còn 13.000-14.000 đồng/kg. Loại gà vượt trọng lượng (3-4 kg/con) giảm còn 10.000-12.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Đình Long, chủ trại gà tại Bà Rịa – Vũng Tàu, than 2 tuần qua, giá gà xuống đáy. Nếu tình trạng này kéo dài thì một số trại có nguy cơ vỡ nợ bởi người nuôi đang lỗ nặng vì giá thành chăn nuôi khoảng 24.000-28.000 đồng/kg. Với giá bán hiện nay, người chăn nuôi gà đang lỗ 10.000-14.000 đồng/kg. Ông Bùi Văn Thành, chủ trại gà 200.000 con tại tỉnh Đồng Nai, tính toán trung bình mỗi con 3 kg thì chủ trại lỗ 42.000 đồng. Riêng trại gà của ông mỗi tuần xuất bán gần 20.000 con, lỗ khoảng 600 triệu đồng.
Cũng theo ông Thành, các chủ trại không chỉ xót ruột nhìn giá gà đi xuống mà còn không dám bỏ trống chuồng trại. “Chúng tôi đầu tư hàng chục tỉ đồng làm chuồng trại, chủ yếu là vốn vay ngân hàng, nên dù lỗ vẫn phải tiếp tục nuôi vì nếu bỏ trống chuồng, phía ngân hàng sẽ “hỏi thăm”. Trong khi đó, những hộ nuôi nhỏ lẻ đã “bỏ của chạy lấy người” – ông Thành nói.
Ồ ạt tăng đàn
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm miền Đông, giải thích giá gà giảm là do giới chăn nuôi nhận định sai. Khi dịch tả heo châu Phi hoành hành, giới chăn nuôi gà cho rằng nhiều người sẽ không ăn thịt heo, chuyển sang thịt gà nên ồ ạt tăng đàn. Bằng chứng là lúc đó, mỗi tuần, khu vực phía Nam xuất chuồng đến 2,5 triệu con gà, trong khi thời điểm bình thường chưa tới 2 triệu con. Bên cạnh đó, giới thương mại cũng có dự đoán như vậy, dẫn đến nguồn thịt gà, thịt heo nhập khẩu về gấp đôi so với mọi năm, tác động tiêu cực đến giá gà trong nước.
Còn theo ông Đoàn Ngọc Thơ, Giám đốc Công ty THO Group (chuyên nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm), giá nhập khẩu đùi gà hiện khoảng 900 USD/tấn, tức chỉ 18.000 đồng/kg, cộng các loại thuế, khi về Việt Nam cũng chỉ 20.000 đồng/kg. Cánh gà khoảng 1.100 USD/tấn, tương ứng 25.000 đồng/kg, cộng thuế khi về Việt Nam khoảng 27.000 đồng/kg. Giá gà nguyên con nhập khẩu khoảng 1.000 USD/tấn.
Thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy 7 tháng đầu năm 2019, lượng thịt gia cầm nhập khẩu đã lên đến 87.800 tấn, với kim ngạch 78,6 triệu USD. Còn theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã nhập khẩu 142.190 tấn thịt gà với trị giá hơn 120 triệu USD, chủ yếu là đùi, cánh và chân gà, tăng khoảng 10% so với năm trước.
Một nguyên nhân nữa khiến cho giá gà lao dốc, theo ông Ngọc là do dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, nhiều người đi du lịch nên sức tiêu thụ mặt hàng này giảm mạnh. Thời điểm đó, cả tuần, nhiều trại gà quy mô lớn không xuất bán được làm cho lượng gà tồn cứ tăng lên. Giới chuyên môn nhận định thông thường, quý III hằng năm là mùa thấp điểm tiêu thụ thịt gà, hy vọng sang tháng 10, giá mặt hàng này sẽ tăng trở lại.
Trong khi chờ giá gà có thể phục hồi vào đầu tháng 10, một số doanh nghiệp giết mổ, kinh doanh gia cầm nhận định hiện giá thu mua đầu vào giảm, đã kéo giá bán thịt gà pha lóc, gà nguyên con tại các chợ giảm nhẹ. Sức tiêu thụ tăng nhưng không đáng kể. Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Tổng Giám đốc Công ty TNHH San Hà, cho biết công ty bà đã ký hợp đồng thu mua bao tiêu với một số trang trại, đồng thời cũng ký hợp đồng phân phối với các hệ thống siêu thị nên với những hợp đồng này, công ty không thể giảm giá bán ra cho các siêu thị. Lượng gà thu mua, giết mổ ngoài lượng bao tiêu này thì đang theo giá thị trường, đầu vào rẻ nên đầu ra cũng rẻ hơn so với trước.
Bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, nhận xét giá gà “rớt” thêm 5.000 đồng/kg trong vài ngày trở lại đây, một phần do ảnh hưởng của mưa bão nên các trại nhỏ bán tháo đàn gà. “Tình trạng này sẽ kéo dài thêm khoảng 10 ngày nữa, sau đó giá gà sẽ tăng trở lại” – bà Phạm Thị Huân dự đoán.
Hậu quả đã được dự báo
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, tổng đàn gia cầm của cả nước trong 6 tháng đầu năm tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Thông tin từ Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho thấy tổng đàn gà của địa phương này lên đến 28 triệu con, tăng gần 6 triệu con so với cuối năm 2018. Ngoài ra, còn có đàn cút 6,6 triệu con; đàn vịt, ngan gần 1,2 triệu con. Sở dĩ tổng đàn gia cầm ở Đồng Nai tăng mạnh do thời gian qua nhiều người nuôi heo bỏ nghề chuyển sang nuôi gia cầm.
Hiện tượng các trang trại, kể cả trang trại lớn, thả nuôi gà số lượng lớn để “đón đầu” sự thiếu hụt thịt heo do dịch tả heo châu Phi và những hệ lụy của việc đầu tư cảm tính này đã được Sở Công Thương TP HCM cảnh báo trước. Theo Sở Công Thương, không chỉ các trại nuôi gà tăng đàn mà một số trang trại nuôi heo đã tận dụng cải tạo chuồng trại bỏ trống do tạm ngưng chăn nuôi heo làm trại nuôi gà, vịt. Thời điểm đó, Sở Công Thương TP HCM đã lưu ý các địa phương có số trại nuôi gà, vịt tăng cao tổ chức thông tin, khuyến cáo người nuôi và quy hoạch chăn nuôi phù hợp để tránh tình trạng thừa nguồn cung.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.