Giá khóm xuống thấp- Người trồng khóm lao đao

(THTG) Hiện nay, nông dân trồng khóm ở huyện Tân Phước đang thu hoạch rộ vụ khóm chính vụ năm 2014. Mặc dù năng suất, chất lượng đều đạt cao nhưng bà con vẫn không vui vì giá bán rớt xuống thấp chưa từng có. Thậm chí có nhiều ruộng khóm chín rục vẫn chưa bán được dẫn đến hư hỏng, gây thiệt hại nặng nề, khiến cho người dân vùng đất phèn vốn khó khăn nay càng khó khăn hơn.

Untitled 1

Tại xã Tân Lập 1, một trong những vùng khóm nguyên liệu lớn của huyện Tân Phước, dù không muốn nhưng chị Nguyễn Thị Chính đành phải thu hoạch khóm vì không thể chần chừ được nữa. Còn đối với ông Trần Minh Duy, ấp 3, xã Tân Lập,khóm đang chín rộ gần 1 ha nhưng vẫn còn neo trên ruộng. Ông chấp nhận bán giá thấp, nhưng thương lái cũng không mua nên đành phải chặt bỏ. Vì nếu để khóm hư hỏng trên ruộng rất dễ phát sinh dịch bệnh. Còn rất nhiều bà con khác dùng khóm chế biến một số thực phẩm như: nước màu, mứt, kẹo,…thậm chí làm thức ăn cho gia súc vì không nỡ vứt đi thành quả lao động của mình.

Toàn xã Tân Lập 1 hiện có 560 ha khóm, với tổng sản lượng vụ mùa này đạt khoảng 15.000 tấn. Theo tính toán của người nông dân, giá thành sản xuất một kg khóm không dưới 2.000 đồng. Vậy với giá bán hiện nay không hơn 1.500 đồng/kg, bà con phải chịu lỗ 500 đồng/kg. Trong khi đó, khóm là nguồn thu nhập chính nên không những gặp khó khăn trong cuộc sống mà người nông dân còn không thể tái sản xuất vụ mùa sau.

Giá nông sản nói chung và giá khóm nói riêng sụt-giảm theo nhu cầu tiêu thụ của thị trường là điều bình thường. Song, giá rớt xuống quá thấp và kéo dài như hiện nay, gây thiệt hại lớn, làm cho nông dân trồng khóm lao đao là vấn đề đáng báo động. Rất mong ngành hữu quan xem xét, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn này cho bà con để vùng khóm nguyên liệu lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long này tiếp tục phát triển bền vững, mang lại thu nhập cho người dân vùng đất bị nhiễm phèn nặng như huyện Tân Phước.

Kim Nữ