Gia nhập để ổn định và ngược lại
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vừa nhóm họp tại đảo Sveti Stefan thuộc Montenegro nhằm tập trung đánh giá, thảo luận để cải thiện tình hình chính trị tại Balkan trong 12 năm qua. Quan trọng hơn nữa, đó là việc xem xét để Croatia, một quốc gia có thế mạnh về du lịch, gia nhập EU vào ngày 1-7-2013.
Thị trấn cổ Dubrovnik ở Croatia - địa điểm thu hút khách du lịch - góp phần làm phong phú di sản của EU. |
Lợi ích từ hòa bình, ổn định
Sau Hy Lạp, Slovenia, Bulgaria và Romania, nhiều khả năng Croatia sẽ là quốc gia thứ 5 thuộc khu vực Balkan tiếp bước các thành viên đi trước tiến vào ngôi nhà chung EU. Đứng trước các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên thuộc liên bang Nam Tư cũ, Tổng thống Croatia Josipovic khẳng định “Croatia là bạn, là đối tác của các bạn”. Cũng tại hội nghị, Tổng thống Serbia Boris Tadic, nước đang nắm giữ Chủ tịch luân phiên Diễn đàn hợp tác Đông Nam Âu (SEECP), nhấn mạnh Serbia muốn xây dựng lòng tin với tất cả các quốc gia trong khu vực, trong đó đẩy mạnh hợp tác giữa các quốc gia trong cuộc chiến chống lại tội phạm có tổ chức.
Một bầu không khí hữu nghị, hợp tác lan tỏa khắp khán phòng tổ chức hội nghị tại Sveti Stefan, trái ngược hẳn với sự nặng nề, đề phòng lẫn nhau tồn tại ở Balkan hơn 1 thập kỷ trước. Phải chăng các nhà lãnh đạo tại các quốc gia Balkan giờ đây đã nhận ra rằng chỉ có hòa bình, ổn định và phát triển vững chắc mới là con đường ngắn nhất dẫn đến EU?
Còn đó những nỗi lo…
Tuy nhiên, trước thềm hội nghị SEECP diễn ra vài ngày, một sự kiện xảy ra đã nhắc nhở các nhà lãnh đạo EU và khu vực Balkan về mối đe dọa thường trực của thùng thuốc nổ Balkan. Trong các ngày từ 25 đến 27-7, tình hình bạo loạn đã xảy ra ở phía Bắc của vùng ly khai Kosovo. Các tay súng người Serbia thiểu số tại Kosovo đã nổ súng vào các lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO tại đây, tấn công và đốt cháy một cửa khẩu trên biên giới với Serbia. Ngay sau vụ bạo loạn xảy ra, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton, cho rằng cả Serbia và Kosovo phải có trách nhiệm lập tức hạ nhiệt căng thẳng, quay lại đối thoại để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng. Tổng thống Serbia Boris Tadic cũng đã chỉ trích hành động bạo lực ở Bắc Kosovo, cho rằng nó đi ngược với lợi ích của người dân ở Kosovo và Serbia. Sau khi Kosovo tự tuyên bố độc lập, Serbia đã phản đối kịch liệt quyết định này. Mâu thuẫn sắc tộc giữa người Albania đa số tại Kosovo và người Serbia thiểu số vì thế vẫn âm ỉ. Kosovo chắc chắn vẫn sẽ là điểm nóng mà EU và các nước thành viên Balkan không thể lơ là.
Tuy nhiên, Balkan không đơn giản chỉ có vấn đề Kosovo. Gần 20 năm qua, theo Hy Lạp, tên gọi Macedonia là một phần của lịch sử của nước này. Athens phản đối việc gia nhập EU của Macedonia nếu không chịu thay quốc hiệu. Bất chấp sự can thiệp của các trung gian hòa giải, quốc hiệu của Macedonia vẫn là một chủ đề tranh cãi chưa có hồi kết.
Ngoài ra, chuyện sắc tộc tại Bosnia và Herzegovina cũng là vấn đề không thể xem nhẹ. Quốc gia có dân số chia làm 3 sắc tộc chính người Bosina, Serb và Croat đang tiềm ẩn những mâu thuẫn bên trong về phân chia quyền lực không đồng đều giữa các nhóm người có thể thổi bùng lên xung đột sắc tộc bất cứ lúc nào. Giới quan sát nhận định với các nước Balkan, gia nhập EU là con đường duy nhất để ổn định. Nhưng ổn định cũng lại chính là điều kiện “cần” để có thể được chấp nhận vào ngôi nhà chung EU.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.