Giá trị bền vững của “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”
“Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu; thể hiện rõ lòng tôn kính tổ tiên… Đặc biệt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa giá trị tâm linh của cả một dân tộc với những giá trị khoa học, điều đó đã minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam trong dòng chảy đương đại.
Khách thập phương trảy hội Đền Hùng. Ảnh: Báo Phú Thọ |
Đó là đánh giá của chuyên gia Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) về giá trị của Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam” mà Tổ chức này vinh danh vào ngày 6/12/2012.
Mặc dù đến đầu thập kỷ thứ nhất của thế kỷ XXI, tín ngưỡng giàu chất nhân văn này mới được thế giới biết đến rộng rãi qua sự vinh danh của UNESCO nhưng với người Việt Nam thì đã từ ngàn xưa, ai cũng nhớ ngày 10 tháng Ba (âm lịch) là ngày Giỗ Tổ: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”.
Ngày Giỗ Tổ là ngày cả dân tộc ta tri ân công đức của các Vua Hùng, những người lập nên nhà nước Văn Lang, nền móng của dân tộc và dạy dân cày ruộng, cấy lúa, ban linh khí cho đất đai, nhà cửa, cây trồng, vật nuôi sinh sôi nảy nở, mùa màng tươi tốt, bội thu.
Với niềm tin thành kính ấy, từ hàng nghìn năm qua, hết thế hệ này qua thế hệ khác, người Việt ở vùng Đất Tổ – nơi Đền Hùng tọa lạc và nhân dân trên khắp mọi miền của đất nước cùng đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài, đã thực hành, vun đắp và lưu truyền Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để thể hiện sự biết ơn với vị thủy tổ, mong ngài phù hộ cho quốc thái dân an, nhân khang, vật thịnh, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Vì vậy, thờ cúng Hùng Vương là một tín ngưỡng bản địa, là hiện tượng văn hóa có sức sống mãnh liệt, sức lan toả rộng, sâu, lâu bền trong cộng đồng người Việt.
Nét tiêu biểu và đậm đà bản sắc nhất của tín ngưỡng này là vào đúng ngày 10 tháng Ba (âm lịch) hằng năm, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được cử hành tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh (xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) và ở các địa phương khác trong cả nước.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – nghi lễ thờ cúng ông Tổ chung của cả nước là bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc sắc riêng có của dân tộc Việt Nam và cũng là di sản văn hóa tiêu biểu của nhân loại. Trong tiến trình lịch sử, tín ngưỡng này góp phần hun đúc lòng tự hào về nguồn cội và tạo nên tinh thần đoàn kết, yêu nước thương nòi.
Hiện cả nước có khoảng 1.417 di tích có thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật thời Vua Hùng, riêng tỉnh Phú Thọ có gần 330 cơ sở. Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới cũng thờ cúng Hùng Vương.
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng tổ chức hằng năm là nhằm tiếp tục nêu cao truyền thống yêu nước, bày tỏ biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là dịp tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về hai di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ” đã được UNESCO vinh danh.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, đến ngày nay tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có nguồn cội từ tín ngưỡng dân gian đã trở thành Quốc lễ của Việt Nam.
|
Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Phú Thọ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.