Giá trị dinh dưỡng và chữa bệnh của chuối
Chuối là một loại rau quả có thành phần của hầu hết những vi chất cần thiết cho sự biến dưỡng của cơ thể. Ngoài ra chuối có thể điều hoà hoạt động của hệ thần kinh và làm giảm nguy cơ những bệnh về tim mạch do hàm lượng Potassium tự nhiên rất cao có trong chuối.
Một mâm ngũ quả thường có 2 nải chuối nằm phía dưới với những quả chuối mập tròn bao quanh và vươn lên hình tượng như hai bàn tay phù trợ chở che. Chẳng lạ mà nhân dân nhiều nơi có tập tục chuẩn bị một vài nải chuối đẹp để bày biện mâm ngũ quả trong dịp Tết Nguyên đán. Không phải chỉ có ý nghĩa tâm linh hay cầu may mắn; không chỉ là hình ảnh quen thuộc gắn bó, chuối còn là một loại cây trồng ăn quả có nhiều giá trị dinh dưỡng và chữa bệnh thiết thực. Chuối có tên khoa học là Musa Paradisiaca L. thuộc họ chuối (Musacae). Theo Đông Y, chuối có vị ngọt, tính bình, nhuận phế, chỉ khát, lợi tràng vị. Củ chuối vị ngọt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Theo phân tích của khoa học, chuối chín bao gồm nhiều chất bột, chất đạm, chất xơ, sinh tố và khoáng chất. Đặc biệt chuối có hàm lượng potassium rất cao và cả 10 loại acid amin thiết yếu của cơ thể. Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển nông Nghiệp Malaysia (MARDI), chuối là loại trái cây duy nhất hội tụ đầy đủ thành phần những chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể con người. Do đó, chuối đặc biệt thích hợp để bổ sung khẩu phần dinh dưỡng cho trẻ em và người già. Thân chuối non xắt mỏng là một món rau ghém quen thuộc ở vùng quê. Bắp chuối có thể làm rau sống, ngâm giấm hoặc làm gỏi trộn. Y học dân gian dùng chuối hột để trị sạn thận và sạn mật. Sau đây là một vài công dụng khác của chuối, quý giá và dễ áp dụng nhưng còn ít được quan tâm.
Chuối chín có tác dụng làm hạ huyết áp
Từ lâu y học cổ truyền Ấn Độ đã có kinh nghiệm sử dụng chuối để làm hạ huyết áp. Gần đây, nhiều cuộc thí nghiệm khác nhau ở Trường đại học Kasturba, Ấn Độ, cũng như Trường đại học John Hopskin, Hoa Kỳ, cũng đã xác nhận kết quả này. Ăn chuối chín có thể làm hạ huyết áp mà không sợ xảy ra những phản ứng phụ. Chỉ cần ăn 2 quả chuối mỗi ngày, trong một tuần có thể giảm được 10% chỉ số huyết áp. Người ta cho rằng việc hạ huyết áp của chuối đối với những người có huyết áp cao có liên quan đến hàm lượng potassium có trong chuối. Chuối là loại trái cây có hàm lượng Potassium cao nhất trong số những loại rau quả thông dụng. Trong 100gram thịt chuối có đến 396mg khoáng chất này, trong khi chỉ có 1mg sodium. Sự tương quan giữa muối sodium và potassium có liên quan đến việc duy trì độ pH và sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể. Trong khi sodium, thành phần quan trọng của muối ăn và những thức ăn mặn hàng ngày có tác dụng giữ lại một lượng nước nhất định tạo gánh nặng cho hệ tim mạch thì potassium lại có tính năng như một chất điện phân giúp thải trừ bớt sodium ra khỏi cơ thể. Ngoài ra cả hai loại muối này còn liên quan đến việc làm thư giãn cơ bắp. Sự thiếu hụt muối Potassium có thể làm gia tăng trương lực cơ và tương tác xấu đến hoạt động của hệ thần kinh giao cảm. Những yếu tố này đều có khả năng làm gia tăng huyết áp. Vào tháng 10 năm 2000, FDA (Cơ Quan Quản lý Thuốc và Thực Phẩm Hoa Kỳ) đã chính thức công nhận “những loại thực phẩm giàu potassium và ít Sodium có khả năng làm giảm nguy cơ cholesterol cao và đột quị.” Cơ quan này cũng đánh giá chuối thuộc nhóm thực phẩm ưu tiên cho yêu cầu này vì chuối không những có hàm lượng potassium cao, mà còn có nhiều giá trị dinh dưỡng khác. Có lẽ đây là lý do khiến gần đây ở phương Tây người ta đã phổ biến tiêu ngữ “A banana a day keeps the doctor away” (Ăn một trái chuối mỗi ngày để không cần đến thầy thuốc). Căn cứ vào những nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học Mỹ cho rằng nhu cầu potassium trung bình cho một người để hạn chế hoặc ngăn ngừa nguy cơ đột quị là 3gram mỗi ngày.
Chuối là nguồn bổ sung năng lượng hoàn hảo cho hoạt động thể lực
Theo Tiến sĩ Douglas N. Graham, chuối là một nguồn thực phẩm bổ sung rất tốt cho những vận động viên và những người làm việc nặng nhọc. Một bữa ăn chỉ toàn bằng chuối cũng có thể cung cấp đủ năng lượng để duy trì hoạt động thể lực hàng giờ đồng hồ. Trong chuối có đủ carbohydrate hấp thụ nhanh và carbohydrate hấp thu chậm. Trong những hoạt động thể lực kéo dài khi năng lượng bị hao hụt nhiều, cơ thể phải huy động đến lượng đường trong máu để cung cấp cho cơ bắp. Những trường hợp này, đường glucose trong chuối được hấp thụ nhanh vào máu có thể bổ sung tức thì lượng đường bị hao hụt giúp vận động viên phục hồi sau khi vận động mệt mỏi. Đường fructose trong chuối được hấp thụ chậm hơn. Ngoài ra chuối còn những carbohydrate khác được chuyển hoá chậm và phóng thích đường vào máu từ từ có thể đáp ứng cho những hoạt động thể lực kéo dài hàng giờ sau đó. Đặc biệt tỷ lệ potassium cao trong chuối còn liên quan đến trương lực cơ có khả năng làm giảm nguy cơ vọp bẻ ở vận động viên. Do đó, người ta khuyên, chuối nên được chọn trong số những thức ăn nhanh cho vận động viên trước, trong và sau những buổi tập.
Chuối xanh chữa bệnh loét dạ dày, tá tràng
Nhiều cuộc nghiên cứu khác nhau của những nhà khoa học ở Anh và Ấn Độ đã đưa đến kết luận giống nhau về tác động của chuối xanh đối với các bệnh nhân loét dạ dày, tá tràng. Người ta đã sử dụng những loại chuối khác nhau, chuối khô, chuối bột, chuối xanh, chuối chín, đồng thời với những nhóm đối chứng không dùng chuối. Kết quả cho thấy, chuối xanh được phơi khô ở nhiệt độ thấp có khả năng kích thích sự tăng trưởng của lớp màng nhày ở thành trong của dạ dày. Những tế bào sản xuất chất nhầy được tăng sinh, lớp màng nhầy dầy lên để bảo vệ thành dạ dày tránh khỏi bị loét và còn hàn gắn nhanh chóng những chỗ loét đã hình thành trước đó. Những thí nghiệm này cũng xác định những loại chuối được phơi khô ở nhiệt độ cao, hoặc chuối chín không có tính năng này. Kết quả này cũng phù hợp với kinh nghiệm dân gian dùng chuối xanh phơi khô tán bột để trị bệnh loét dạ dày. Điều đáng lưu ý là khoa học đã xác định chuối phơi khô ở nhiệt độ thấp tức kỹ thuật phơi âm can (phơi trong bóng râm) của y học tổ truyền. Cách phơi khô trực tiếp dưới ánh mặt trời hoặc sấy ở nhiệt độ cao sẽ làm chuối mất đi tác dụng chữa bệnh này.
Cả chuối xanh và chuối chín đều có tác dụng chữa bệnh.
Chuối chín chữa bệnh táo bón và ngăn ngừa ung thư ruột già
Thịt chuối chín mềm, mịn nhưng lại chứa nhiều chất xơ không hoà tan. Chất xơ không được tiêu hoá tạo thành chất bã hấp thu nước và kích thích nhu động ruột nên có tác dụng chống táo bón rất tốt. Mặt khác, việc kích thích nhu động ruột sẽ thúc đẩy nhanh sự lưu thông trong ruột già làm giảm thời gian tiếp xúc của các chất độc hại hoặc có khả năng gây ung thư với niêm mạc ruột. Chất xơ còn có thể hoà quyện, kết dính những chất độc hại này để bài tiết theo phân ra ngoài. Do đó, ăn chuối hàng ngày có thể giúp bảo vệ niêm mạc ruột phòng ngừa nhiều chứng bệnh ở ruột già.
Tóm lại, chuối là một nguồn dinh dưỡng quí giá lại dễ tìm, dễ ăn, xứng đáng được bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày. Tuy nhiên, vì sức ăn của mỗi người có hạn, để khỏi can thiệp vào bữa ăn chính, cần bao gồm những nhóm thức ăn chủ lực khác, nên dùng chuối theo chế độ ăn dặm, mỗi lần một hoặc hai trái, cách xa bữa ăn chính.
Lưu ý
Chuối được xếp vào loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao nên những người có bệnh đái tháo đường chỉ nên dùng chuối theo hướng dẫn của bác sĩ.
Thành phần dinh dưỡng của chuối 100 gram thịt chuối cung cấp: 92 kcal, 1,03g protein, 396 mg Kali, 1 mg Natri, 6 mg Calcium , 0,31 mg Fe , 29 mg Mg, 20 mg P., 0,16 mg Zn, 0,104 mg Cu, 0,152 mg Mn, 1,1 mcg Se, 9,1 mg Vitamin C , 0,045 mg Thiamin, 0,1 mg Riboflavin, 0,54 mg Niacin, 0,26 mg Pantothenic Acid, 0,578 mg Pyridoxin, 19 mcg Folate, 0,012 g Tryptophan, 0,034 g Threonine, 0,033 g Isoleucine, 0,071 g Leucine, 0,048 g Lysine, 0,011 g Methionine , 0,038 g Phenylalanine, 0,047 g Valine, 0,047 g Arginine, 0,081 g Histidine |
Theo Sức khỏe và đời sống
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.