Giá trị kinh tế, văn hóa của làng mai nu Thạnh Nhựt – Gò Công Tây
(THTG) Những câu chuyện về mai nu luôn song hành cùng cuộc sống thường nhật của người dân ở làng mai nu Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây. Nhà nhà có mai nu, ở sân, ở sau vườn, trồng xen trong các vườn cây hoặc ven các trục đường. Đến làng mai nu Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây, bao câu chuyện về văn hóa, kinh tế cùng niềm tự hào mà cây mai nu đã, đang và sẽ luôn gắn bó tạo nên những giá trị cho vùng đất và con người nơi đây.
Dáng thế của từng cây là do bàn tay khéo léo uốn sửa của các nghệ nhân. Còn những u nần, sần sùi của gốc, thân hay nhánh mai chiếu thủy nu Gò Công là do tự nhiên mà thành. Chính điều đó tạo sự độc đáo, tạo nên nhãn hiệu đặc trưng có một, không hai cho vùng đất Gò Công nói chung và cái nôi của cây mai chiếu thủy nu Thạnh Nhựt nói riêng.
Mai nu trở thành loại cây có giá trị kinh tế, văn hóa của Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây. Ảnh: Việt Bình
Nghệ nhân Lê Văn Hạnh là người kỳ công nghiên cứu mai nu và gắn bó hơn 50 năm nay cùng mai nu. Không chỉ là người chứng kiến mà ông rất am tường tất cả những gì thuộc về mai nu.
Chủ vườn Lê Tấn Bỉnh, một trong những người đưa cây mai nu trở thành cây kinh tế của làng mai chiếu thủy nu Thạnh Nhựt. Diện tích trồng chuyên canh là 5000 m2 đất và xen canh là 20.000 m2. Mỗi khi có đợt xuất bán ông Bỉnh bán cả hàng ngàn cây mai nu nguyên liệu trong diện tích vườn cây rộng lớn.
Ông Phan Thanh Hiền là cán bộ về hưu, không chỉ phát triển mô hình mà còn tiếp nối những giá trị vùng đất là cái nôi của mai nu Gò Công bằng cách tích cực cùng chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng để làng mai nu được chứng nhận làng nghề .
Chăm sóc cây mai nu. Ảnh: Việt Bình
Kiểng là cây để làm cảnh, chơi cảnh. Cổ là phong cách xưa theo giáo huấn của người xưa. Cổ không nhất thiết là cây lâu năm. Những cây kiểng mới tạo lập theo đường nét, phong cách xưa được gọi là kiểng cổ có nghĩa là kiểng theo lối xưa. Đó chính là giá trị văn hóa tinh thần trường tồn bao đời nay ở làng mai nu Thạnh Nhựt. Hiện nay mai chiếu thủy nu đã vươn tầm trong phát triển kinh tế khi được xuất khẩu sang nhiều nước. Giữ gìn văn hóa xưa, phát triển kinh tế, tạo lập nhãn hiệu, phát triển làng nghề đang được chính quyền và nhân dân xã Thạnh Nhựt – xứ sở của mai nu chung tay thực hiện.
Thanh Thảo
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.