Giá trị và tương lai của báo chí trong một thế giới đầy ắp thông tin
Báo chí có thể gia tăng những giá trị gì trong một thế giới mà những công cụ mạnh mẽ nhất của nó, trong đó có cung cấp thông tin, đã không còn ưu thế nữa?
Báo in New York Times sẽ kết thúc trong 20 năm nữa
Năm 2020, CEO của New York Times đã nói rằng ông sẽ cảm thấy rất ngạc nhiên nếu tờ báo được thành lập năm 1851 này vẫn còn báo in đến năm 2040.
“Tôi tin là New York Times chắc chắn sẽ được in trong 10 năm nữa và có thể là thêm 15 năm nữa, có lẽ là lâu hơn một chút. Nhưng tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu nó được in trong 20 năm nữa”.
Ảnh minh họa: Brendan Lynch
Hơn 900.000 người đã đăng ký phiên bản báo in của tờ báo này và với mức độ đăng ký hiện tại, tờ báo này sẽ được in 7 ngày trong tuần, có lợi nhuận mà không cần quảng cáo.
Tuy nhiên, độc giả ngày càng quen thuộc hơn với việc đọc New York Times trên điện thoại thông minh, máy tính và máy tính bảng. Do đó, báo in rõ ràng là một hình thức đang chết dần. Năm 2020, New York Times cho biết lần đầu tiên doanh thu trên các nền tảng số của tờ báo này vượt doanh thu báo in.
New York Times ghi nhận chỉ 1 triệu người đăng ký phiên bản số vào tháng 10/2015 nhưng cuối quý 2 năm 2020, tờ báo này đã ghi nhận 5,7 triệu người đăng ký phiên bản số. CEO Thompson đặt mục tiêu công ty này sẽ cán mốc 10 triệu người đăng ký vào năm 2025.
Ngành công nghiệp báo in đang bước vào một kỷ nguyên mới. Seattle Post-Intelligencer đã trở thành tờ báo đầu tiên của Mỹ dừng in và là tờ báo đầu tiên chỉ tồn tại ở hình thức trực tuyến. Tờ báo này có tuổi đời 146 năm, là tờ báo lâu đời nhất của bang Washington.
Báo in đã mất hàng triệu độc giả trong những năm qua bởi các thế hệ độc giả mới xuất hiện.
Đài phát thanh truyền thống trở thành quá khứ
Khi nhắc đến phát thanh, có thể nhiều người sẽ nói rằng họ không nhớ lần cuối mình nghe đài là khi nào. Với một chiếc điện thoại thông minh, người ta có thể đi bất kỳ đâu mà vẫn nghe nhạc hay podcast từ iTunes hay Spotify. Trong thế giới hiện nay, đài phát thanh truyền thống dường như là một điều gì đó của quá khứ.
Trong một thế giới kết nối chặt chẽ hơn bao giờ hết, ngay cả các đài phát thanh cùng đang dịch chuyển sang hình thức trực tuyến.
Sự thay thế của những chiếc màn hình nhỏ
Tốc độ tải xuống nhanh chóng trên điện thoại đã khiến cho bất kỳ ai đều muốn có tâm lý “tôi muốn xem tất cả mọi thứ, tại đây và ngay bây giờ”. Trong 6 tháng đầu tiên của đại dịch Covid-19, số người xem trên điện thoại đã tăng hơn 40%. Thậm chí ngay cả trong thời điểm mọi người ở nhà và ngồi ngay trước những chiếc màn hình tivi lớn thì họ vẫn muốn xem video trên những màn hình tí hon mà họ có thể mang đi mọi nơi cả ngày.
Ngoài việc yêu cầu nội dung, thời điểm và địa điểm mà họ mong muốn, những người sử dụng còn kỳ vọng các nội dung sẽ liên kết với nhau.
Nắm giữ công cụ hay tiếp cận càng nhiều độc giả càng tốt?
Ngày nay, các nhà báo đối mặt với vô số thách thức từ các công nghệ truyền thông mới. Báo chí giờ đây đang trải qua những thay đổi lớn lao cùng với sự thay đổi về công nghệ, kinh tế, văn hóa và xã hội.
Truyền thông xã hội đã mang tới những khía cạnh mới như đối thoại tương tác và tương tác xã hội. Các nhà báo giờ có thể có những cuộc trao đổi thực sự với khán giả của họ. Những cuộc tranh luận trực tuyến cũng là nơi mà mọi người có thể thể hiện bản thân. Giao tiếp một chiều truyền thống đã biến thành những cuộc trao đổi nhiều chiều.
Một số hãng tin tức đang cố gắng chống lại truyền thông xã hội nhưng một số khác thì hoàn toàn chấp nhận nó. Chẳng hạn Buzz Feed hoặc LADbible là những hãng tin mới được xây dựng chỉ dành cho truyền thông xã hội. Họ hiểu các nền tảng truyền thông xã hội lan tỏa những câu chuyện của mình như thế nào và hình thức nào là tốt nhất.
Cách thức tiếp nhận tin tức trên thế giới đã thay đổi. Trước đây, câu hỏi sẽ là ai là nhà báo nhưng giờ đây câu hỏi sẽ là ai là người xuất bản.
Các hãng tin tức đang loại bỏ dần việc sản xuất và đóng cửa các phòng quảng cáo để chuyển nội dung của mình cho các nền tảng của bên thứ ba. Đây là cách duy nhất để một số hãng tin tức tồn tại bằng cách tiếp cận những độc giả trẻ. Từ đó, có 2 vấn đề lớn nảy sinh. Đó là mối quan hệ mới giữa các hãng tin tức và độc giả là gì? Ai thực sự là người kiểm soát tin tức.
Các hãng tin tức hiện có thể sử dụng các video trực tuyến. Người xem có thể đồng hành cùng nhà báo ở một nơi nào đó trên thế giới ngay lập tức. Tính năng livestream trên Facebook đã thay đổi quan hệ giữa nhà báo và người xem bởi sẽ không có sự biên tập nào. Các nhà xuất bản tin tức đã mất quyền phân phối. Truyền thông và các nền tảng mạng xã hội đã đảm nhận vai trò xuất bản và hiện tin tức được lọc qua các thuật toán. Hiện nay, các hãng tin tức phải tự đặt câu hỏi, điều gì là quan trọng hơn, tiếp cận nhiều độc giả hay kiểm soát các con đường tiếp cận độc giả của họ?
Giá trị của báo chí trong một thế giới quá nhiều thông tin?
Thế giới thông tin đã chứng kiến những thay đổi căn bản trong 2 thập kỷ qua, cả về tốc độ chuyển đổi và số lượng. Mặc dù việc tiếp cận thông tin vẫn tăng dần qua các năm nhưng mức độ thay đổi trong thập kỷ qua là điều chưa từng chứng kiến trước đó. Chỉ từ năm 2010 – 2019, thế giới đã có thêm 1,9 tỷ người sử dụng internet và con số này sẽ chỉ tiếp tục tăng lên bởi việc tiếp cận internet đang dần trở thành một quyền lợi cơ bản chứ không chỉ là một dịch vụ.
Ảnh minh họa: Shutterstock
Những thay đổi mạnh mẽ này đã tạo ra các thách thức mang tính sống còn cho các nhà báo và các hãng truyền thông mà trước tiên là việc liệu các nhà báo có thể vượt ra ngoài tin tức và cung cấp những giá trị trong thế giới “hậu tin tức” hay không. Trong một thế giới đã “thặng dư thông tin”, tin tức trở thành một sản phẩm mất dần ưu thế của nó.
Sự thâm nhập ngày càng sâu của công nghệ vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta khiến mỗi cá nhân đều có cơ hội sáng tạo và thể hiện thế giới quanh mình ngay lập tức. Điều đó dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng trong cả việc thu thập thông tin và tiêu thụ thông tin. Các cá nhân và nhóm xã hội, những người từng dựa vào các nhà báo để cung cấp tin tức hàng ngày cho họ, đang cắt bớt “người trung gian” này và tạo ra “tin tức” của mình một cách trực tiếp thông qua các nền tảng mạng xã hội. Hiện nay, mỗi người sử dụng điện thoại thông minh đều có thể xây dựng chính hãng truyền thông của mình qua những nền tảng như Twitter hay Instagram. Đại dịch Covid-19 là một chất xúc tác cho sự thay đổi về hành vi này.
Nếu như trước đây các hãng tin và các nhà báo sẽ tiếp cận và thu thập những thông tin không sẵn có thì ngày nay, thông tin là vô hạn và tăng lên từng phút. Ngay cả việc tiếp cận nó cũng dễ dàng đến mức chỉ cần một cú chạm tay.
Vì thế, một câu hỏi căn bản đặt ra với tất cả các nhà báo là: Báo chí có thể gia tăng thêm những giá trị gì trong một thế giới mà những công cụ mạnh mẽ nhất của báo chí đã không còn ưu thế nữa? Liệu báo chí có thể dịch chuyển ra ngoài tin tức? Bản chất thực sự của những giá trị mà báo chí mang đến khiến nó sẽ tiếp tục được coi là một trụ cột trong trật tự xã hội hiện đại là gì? Mục đích của báo chí là gì? Trong một thế giới quá nhiều thông tin, việc chỉ cung cấp thông tin sẽ không thể đảm bảo thành công.
Tuy nhiên, cũng chính trong một thế giới quá nhiều thông tin, thông tin đáng tin cậy là cơ hội để báo chí xác lập giá trị của mình.
Thế giới thông tin sẽ chỉ tiếp tục phát triển với nhịp độ lớn hơn nhờ sự hỗ trợ của tiến bộ công nghệ và những hình thức tương tác mới. Do đó, hơn bao giờ hết, các nhà báo cần định nghĩa lại vị trí của mình trong xã hội và tạo ra những nguyên tắc dẫn dắt thể hiện tính khách quan của nhánh quyền lực thứ tư trong khi vẫn phải đảm bảo sự minh bạch của mình.
2022 có thể là một năm nữa chúng ta đặt câu hỏi về giá trị và tình trạng của báo chí. Nhưng 2022 cũng sẽ là năm mà người làm báo cần hiểu được nhu cầu và sự cấp bách cần phải hành động để xây dựng và phát triển những điều mà xã hội hiện tại cũng như tương lai kỳ vọng vào những người bảo vệ sự minh bạch và khách quan.
Nguồn: vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.