Giải Cánh diều 2012: Những cuộc “trở cờ” ngoạn mục
Đoàn làm phim Thiên mệnh anh hùng nhận giải Cánh diều vàng ở hạng mục phim truyện điện ảnh – Ảnh: T.T.D.
Cách đây đúng mười năm, 2003, giải nghề nghiệp vốn được xếp thường là A, B của Hội Ðiện ảnh – được trao từ năm 1994 – đổi tên thành giải Cánh diều. Và cũng từ đó, giải Cánh diều chính thức bước ra trước công chúng, chịu sự phán xét của công chúng. Ðể rồi hình như chưa năm nào kết quả Cánh diều được công chúng tâm phục khẩu phục. Năm nay con số ít ỏi 11 phim truyện (chỉ bằng phân nửa số phim Việt vốn quá ít ỏi ra rạp năm 2012) càng cho thấy sự thiếu mặn mà của giới làm phim với một giải thưởng thường được gọi đùa là Oscar của VN.
Victor Vũ trở lại, lợi hại hơn xưa?
Giải Cánh diều 2010, Giao lộ định mệnh – một phim nộp tranh giải vào phút cuối của đạo diễn Victor Vũ – đã bị loại sau khi ban giám khảo xem Shattered và thấy giống đến khó tin! Giải Cánh diều 2011, phim truyền hình Thái sư Trần Thủ Ðộ bị loại trước khi trao giải vì vi phạm quy chế do chưa qua hội đồng duyệt. Hai sự cố trên đều chưa từng có tiền lệ, vì thế mà nó trở thành xìcăngđan để nhắc đến giải Cánh diều 2010, 2011 ít ai không biết chuyện này.
Cánh diều 2012, Victor Vũ trở lại ngoạn mục với hai phim “hoành tráng” là Thiên mệnh anh hùng và Scandal – Bí mật thảm đỏ. Cả hai phim của Victor Vũ đều đã trình chiếu trước “bàn dân thiên hạ” nên khen chê gì cũng đã tỏ tường. Vì vậy cũng chẳng ngạc nhiên khi nhìn vào danh sách phim truyện dự thi năm nay, giới “thạo tin” đã bảo nhau: phen này Victor Vũ ẵm hết giải! Và thế thì đúng là “sự trả đũa ngọt ngào” khi mới chỉ hai năm trước, Victor Vũ đã đầy cay đắng không phải chỉ bởi Giao lộ định mệnh bị loại khỏi giải mà còn
bởi nhân việc này, sự cố “nhái” Shattered của Giao lộ định mệnh lần nữa bị búa rìu dư luận xới lên.
Lặng lẽ hơn, Thái sư Trần Thủ Ðộ cũng trở lại với hạng mục phim truyền hình (với 18 phim dự thi – 460 tập). Ðạo diễn Ðào Duy Phúc tâm sự với PV Tuổi Trẻ: “Chúng tôi đã mất bốn năm từ khi tiếp nhận kịch bản. Kiệt sức. Cả đoàn phim thường nói phim này làm để chết chứ không phải để sống. Với tôi, sự vất vả với Thái sư Trần Thủ Ðộ bằng cả bốn phim nhựa trước đây tôi đã làm cộng lại. Chúng tôi đã làm phim lịch sử bằng tâm thế không phán xét nhân vật bằng nhãn quan hiện đại, nghiên cứu các thể loại ghi chép lịch sử để có cái nhìn đa chiều, để “nhập” vào dòng thời gian đó và “yêu” các nhân vật lịch sử của mình. Nên dù đoạt giải Cánh diều hay không thì mong muốn nhất của chúng tôi là phim sớm được lên sóng!”.
Phim sớm ra mắt khán giả là mong muốn rất bình thường của các nhà làm phim. Sau giải Cánh diều lại càng mong như vậy, bởi công chúng (dù là công chúng của Bi, đừng sợ! hay Nhà có năm nàng tiên) sẽ là những giám khảo công tâm nhất, và bây giờ không thiếu cách để họ bày tỏ quan điểm của mình khi xem xong phim…
Lại chuyện tư nhân – Nhà nước
Ba phim nhà nước gồm Cát nóng, Ðam mê, Lạc lối khá lép vế so với các phim tư nhân còn lại. Có nhà báo gọi đùa là “bộ ba phép thuật” và thậm chí còn viết trên Facebook của mình rằng xem xong ba phim này sẽ không sợ bất kỳ phim… dở nào nữa! Cát nóng – phim chọn chiếu khai mạc HANIFF (Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2012) và Ðam mê – phim dự thi chính thức HANIFF, đều đã được “nhận diện” chất lượng.
Riêng Lạc lối thì bí ẩn vì vừa làm xong, chưa công chiếu chính thức. Tiếc là không phải bí ẩn nào cũng đáng để khám phá. Lạc lối có một cách kể cũ, phô bày câu chuyện đến mức chẳng còn gì để nói, nhân vật hời hợt. Một nhà làm phim xem xong đã bày tỏ cảm xúc trên Facebook của anh: “Mở đầu phim bằng một cảnh người nghèo gò lưng đẩy một chiếc xe hơi, bên trong là đôi nam nữ đang hôn nhau, hàm ý luận đề người nghèo tốt mà khổ trong khi người giàu mất dạy, sa đọa và trụy lạc, bộ phim báo trước cho khán giả một tác phẩm thất bại…
Thế nên “cái nhìn tươi sáng” dồn sang khối phim tư nhân với những Thiên mệnh anh hùng, Dành cho tháng sáu, Scandal – Bí mật thảm đỏ, Lấy chồng người ta, Mùa hè lạnh… những bộ phim ít nhiều gây được tiếng vang và sự tranh cãi lành mạnh. Và dù khen chê thì các phim này nói thẳng ra là hơn hẳn ba phim nhà nước về sự chuyên nghiệp cũng như ngôn ngữ điện ảnh. Bên cạnh đó sự có mặt của Gia sư nữ quái, Nhà có năm nàng tiên, Cưới ngay kẻo lỡ – những phim thuần giải trí, doanh thu khả quan cũng là những vị lạ góp cho mâm cỗ Cánh diều bớt phần tẻ nhạt vì ít món.
Và… cũ chuyện ban giám khảo
Nhìn vào ban giám khảo mới thấy sự lạ khi có đến ba thành viên là người của Hãng Phim truyện VN (đạo diễn Nguyễn Ðức Việt, Bùi Tuấn Dũng và họa sĩ Phạm Quốc Trung). Thế nên, Lạc lối có cơ hội để bay lên với diều cũng không phải là chuyện quá khó hiểu!
Năm nào công chúng và báo giới cũng ngờ vực về một “cơ cấu” giải kiểu hòa cả làng thì năm nay có vẻ sự ngờ vực ấy cũng chẳng khác sự thật là mấy. Ban giám khảo được chọn mỗi năm luôn bộc lộ những bất ổn của nó. Bởi cái làng điện ảnh Việt thì bé xíu, quen biết ngại ngùng nhau đã nhiều, lại càng khó có người vừa có tài, vừa có tâm lại vừa có thời gian để ngồi vào ghế giám khảo dù chỉ là xem phim vài ba ngày trước giải.
Ðã cố giống Oscar, sao đến giờ Cánh diều vẫn không “chơi” kiểu bỏ phiếu đồng loạt từ hội viên thay vì lập ban giám khảo như giải Bông sen nhỉ?
Khi tôi làm phim Côn Đảo, tôi đã biết đến André Menras, ông rất thân thiết với cựu tù Phú Quốc, Côn Đảo. André Menras – một người Việt nhấn mạnh vào sự khác biệt, một người da trắng mắt xanh mũi lõ nhưng là người Việt rất vô tư hồn nhiên, nói tiếng Việt giỏi, đúng là một người Việt hơn cả người Việt, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chính kiến như cái tên Hồ Cương Quyết trên chứng minh nhân dân mà ông nhận từ nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vào năm 2009. Một người Việt mắt xanh, mũi lõ mà nhìn VN bằng cái nhìn vô cùng thiện cảm dù phải nói thẳng quốc tịch VN mà ông nhận được mang nhiều tính tượng trưng hơn sự công nhận thật sự.
Dù thế, André Menras vẫn nói: “Tôi là người Việt Nam” bằng giọng tự hào không một chút giễu nhại. Phim của tôi, chính ông đã đọc lời bình, đọc và sửa kỹ từng câu chữ, là phim tài liệu nhựa 34 phút rưỡi mà tôi đã thực hiện không dùng một phút tư liệu nào. Nhưng phim có đến được với khán giả hay không thì phụ thuộc nhiều vào “lòng tốt” của các đài truyền hình.
André Menras khá hài lòng về phim, ông bảo đúng là ông, là con người ông, là tinh thần của ông. Tôi thì nghĩ nhân vật quá hay rồi, để họ đúng ở môi trường của họ thì mình sẽ có một phim tốt thôi. Tôi biết André Menras còn một mong ước là được một lần theo tàu của ngư dân để ra đến Hoàng Sa. Ông giỏi bơi lội, giỏi chài lưới lắm, nhưng chắc khó vì ông vẫn là người nước ngoài, dù chứng minh nhân dân của ông mang tên Việt!
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.