Giải pháp lâu dài thích nghi với hạn mặn ở ĐBSCL
Trong 2 tuần cuối tháng 3-2022, ở ĐBSCL liên tiếp xuất hiện nhiều trận mưa lớn. Các nhà khoa học cho rằng, đây là những trận mưa báo hiệu cho việc chuyển mùa. Cùng lúc, nguồn nước trên sông Mê Công được cải thiện do các đập thủy điện trên dòng bắt đầu xả nước.
Nguồn nước sông Mê Công được cải thiện
Theo ghi nhận của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, trong tuần qua, dòng chảy về châu thổ sông Mê Công phụ thuộc vào điều tiết thủy điện, dòng chảy đầu nguồn ĐBSCL thay đổi theo triều. Tại trạm Kratie (Campuchia), mực nước đạt mức 8m, cao hơn mực nước trung bình trong 5 năm qua từ 0,83-1,73m.
Dung tích Biển Hồ hiện khoảng 2,25 tỷ m3, tương đương với dung tích trung bình nhiều năm, cao hơn mùa khô năm 2015-2016 là 0,72 tỷ m3, năm 2020-2021 là 0,33 tỷ m3. Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nhận định, từ đầu tháng 3-2022 đến nay, các hồ chứa thuộc Trung Quốc có lưu lượng xả về hạ lưu đã tăng hơn so với giai đoạn trước, tăng từ 2 tổ máy phát điện đến ngày 10-3 lên 4 tổ máy và ngày 14-3 đạt đỉnh 5 tổ máy. Xả nước gia tăng từ thủy điện của Trung Quốc sẽ có tác động tích cực, mực nước cao nhất trên đồng bằng sẽ tăng thêm khoảng 6-10cm.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, nhận định: “Các đập thủy điện Mê Công đã tích rất nhiều nước trong mùa lũ 2021. Mùa khô 2022, ít hạn mặn vì lượng nước khổng lồ trong các hồ chứa đó xả ra dần để phát điện. Mới nhất, từ ngày 21 đến 27-3, 2 đập thủy điện của Trung Quốc cùng 2 đập ở Lào đã xả hơn 100 triệu m3 mỗi đập. Mực nước Mê Công tại Chian Seng (Thái Lan) cao hơn tự nhiên 66%, tại Vientiane (Lào) cao hơn 28%…”.
Cùng lúc này, mưa xuất hiện bao phủ toàn bộ vùng ĐBSCL với lượng mưa trung bình khoảng 10-30mm. Một số nơi xuất hiện mưa lớn với trên 100mm như ở Kiên Giang, Cà Mau và Hậu Giang.
Dự báo trong tuần tới tiếp tục sẽ có mưa xuất hiện trên toàn vùng ĐBSCL, khoảng 10-20mm; đặc biệt ở vùng thượng nguồn như Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên có thể lên tới 30mm. Không quá sớm, nhưng có thể nhận định ĐBSCL đã đi qua “đỉnh” của khô hạn trong năm 2022. Còn các tỉnh thuộc vùng Bán đảo Cà Mau cũng có thể bớt lo khi ven biển Tây, hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé đã đi vào hoạt động, chủ động kiểm soát mặn.
Lựa chọn mô hình sản xuất để thích ứng
Lâu nay, ĐBSCL được thiên nhiên “thiết kế” rất tài tình với “3 túi điều hòa nước”. Phía Campuchia có Biển Hồ (Tonle Sap) và phía Việt Nam có 2 vùng trũng tự nhiên là Đồng Tháp Mười rộng 700.000ha, cùng vùng Tứ giác Long Xuyên rộng khoảng 590.000ha. Hàng năm, khi nước lũ sông Mê Công từ thượng nguồn đổ về, đến Campuchia nước chảy vào Biển Hồ làm hồ này rộng ra tới 5-6 lần, từ 300.000ha trong mùa khô lên 1.500.000ha trong mùa nước; chảy vào vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên làm cho 2 vùng này ngập sâu 3-4m.
Chính 3 túi nước này điều hòa nước cho ĐBSCL, khi mùa lũ thì cất giữ bớt nước lũ làm cho lũ hiền hòa hơn, để rồi từ từ nhả nước ra, bổ sung cho dòng sông Tiền, sông Hậu giúp đẩy mặn đi xa trong mùa khô.
Các nhà khoa học cho rằng: Việt Nam đang là nước xuất khẩu gạo đứng trong tốp đầu thế giới, canh tác lúa vùng ven biển trong điều kiện khắc nghiệt mùa khô là không hợp lý. Ở vùng ven biển, vẫn có thể canh tác lúa nhưng canh tác luân canh lúa – tôm, một vụ lúa trong mùa mưa có nước ngọt, và vụ tôm trong mùa hạn mặn như một số nơi ở Bán đảo Cà Mau đang làm sẽ cho hiệu quả cao và thích ứng phù hợp.
Cần giảm diện tích lúa vụ 3 (lúa thu đông) trong mùa mưa ở vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, để “tái tạo 2 túi nước” điều tiết cho toàn vùng… Cụ thể, cơ cấu giống cũng được lựa chọn giống lúa theo vùng sản xuất. Trong đó, vùng cách biển 20-30km ưu tiên sử dụng giống lúa chịu mặn; thơm và ngắn ngày (thời gian sinh trưởng 90 ngày).
Vùng cách biển 30-70km, ưu tiên sử dụng giống lúa chất lượng cao; có thời gian sinh trưởng 90-105 ngày. Vùng thượng nguồn, ưu tiên sử dụng giống lúa thơm, cao sản chất lượng cao; một số ít giống lúa chất lượng trung bình, có thời gian sinh trưởng 90-105 ngày…
Song song đó, nhiều mô hình kinh tế phù hợp với tự nhiên, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu đang được các địa phương triển khai, phát triển, điển hình như mô hình nuôi tôm bền vững; chọn tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản có tiềm năng, lợi thế của vùng.
Một tín hiệu đáng mừng khác trong nông nghiệp ĐBSCL thời gian qua là giống, khi nhiều giống lúa chống được hạn mặn cũng đã phát triển. Đối với 3 đối tượng giống chính của vùng (lúa gạo, trái cây, thủy sản), Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, xác định được bộ giống tốt nhất cho 3 ngành hàng chủ lực này; đến năm 2030, làm chủ nguồn giống trong nước có chất lượng, năng suất, hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.