Giải pháp nào để ‘biến” rác thải thành nguồn tài nguyên hữu ích?
Rác thải từ sinh hoạt và sản xuất ở vùng ĐBSCL do chưa được xử lý nên trữ lượng ngày càng nhiều, gây ra hệ lụy cho xã hội, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn tài nguyên.
Thực tế cho thấy, rác thải không phải là “thứ bỏ đi”, trên thế giới và nhiều địa phương ở nước ta đã có các nhà máy, cơ sở sản xuất chuyên “biến” rác thải thành phân bón phục vụ hữu ích cho sản xuất nông nghiệp hay nhựa tái chế làm nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, sản xuất ra nguồn năng lượng hữu ích cho cuộc sống. Do đó, trước tiên mọi người phải có ý thức, xem rác thải là một nguồn tài nguyên có giá trị và phải biết, khai thác sử dụng hợp lý.
Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Trước hết, chúng ta cần thay đổi cái nhìn về rác thải, chúng ta xem rác thải là nguồn tài nguyên quí, nếu chúng ta khai thác tốt, hiệu quả thì sẽ tạo một nguồn thu ngân sách rất lớn, ổn định lâu dài. Ngược lại, nếu không biết tận dụng khai thác hiệu quả của rác thải thì sẽ gánh chịu hậu quả. Đối với từng hộ gia đình, doanh nghiệp cần hạn chế tạo ra rác thải, chúng ta cần chung tay, có trách nhiệm hơn trong vấn đề xử lý rác thải trong thời gian tới, ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại, để xử lý rác thải và mời gọi đầu tư trong xử lý để rác thải không còn là một vấn nạn nữa”.
Trước hết từ phía mỗi người phải tăng cường thu nhặt, phân loại rác thải ở mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, không vứt bỏ rác bừa bãi; phải phân loại rác thải trước khi đơn vị đến thu gom để công tác xử lý rác thuận lợi hơn.
Thầy Trần Ngọc Sắc, Phó Hiệu trưởng Trường THCS xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, mô hình này tiếp tục duy trì tạo thành nếp thường xuyên trong hơn 1.200 học sinh của trường: “Mô hình này rất hay, thứ nhất, học sinh đổi được quà, thứ 2, góp phần làm sạch môi trường. Nói chung phụ huynh và học sinh rất đồng tình, học sinh đem rác thải từ gia đình đến trường, học sinh ở tại trường thì cũng gom rác đúng quy định để đổi lấy quà. Đây là chương trình thực hiện thường xuyên, giáo dục học sinh có ý thức bảo vệ môi trường. Do đó, nhà trường tiếp tục duy trì và phải làm thường xuyên hơn”.
Nhằm bảo vệ môi trường, tận dụng tài nguyên rác thải, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bến Tre có dự án “Biến rác thải thành phân hữu cơ và phát triển vườn rau xanh” do Tổ chức Y tế Hà Lan tài trợ kinh phí để triển thực hiện tại hơn 600 hộ gia đình trên địa bàn Thành phố Bến Tre và huyện Châu Thành đã đem lại hiệu quả thiết thực. Đó là việc thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt để chôn lấp, ủ trồng rau xanh phục vụ cho bữa ăn gia đình. Hiện nay, mặc dù Dự án đã kết thúc, nhưng mô hình này vẫn tiếp tục được duy trì và sẽ nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Chị Nguyễn Thanh Hiền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho biết, dự án triển khai cho hơn 300 hộ gia đình hội viên ở 21/21 xã, thị trấn. Mô hình này đang nhân rộng ra ở các khu dân cư.
“Sức lan tỏa đối với mô hình này ngày càng phát triển sâu rộng hơn, chị em rất có ý thức, trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, trước hết là phân loại, xử lý rác thải tại nguồn rất tốt. Chị em xử lý xong thành phân bón hữu cơ để trồng rau sạch, cây cảnh, thậm chí một số chị em còn bón cho cây ăn trái tại nhà nữa. Bên cạnh đó, huyện cũng có một số mô hình như “ngôi nhà xanh, biến rác thải thành tiền”, nghĩa là cũng phân loại rác thải, chị em sử dụng tiền thu gom rác thải phế liệu để hỗ trợ cho các trẻ em mồ côi hay giúp cho các chị em phụ nữ khó khăn”.
Giải pháp căn cơ và bền vững nhất vẫn là triển khai xây dựng các nhà máy xử lý đạt thải đạt tiêu chuẩn; có công suất lớn mới có khả năng giải quyết lượng rác đang tồn động rất lớn ở các địa phương trong vùng ĐBSCL. Sản phẩm từ nhà máy xử lý rác cho ra nhựa tái chế, than bùn, phân bón hữu cơ và có thể sản xuất ra nhiên liệu làm chất đốt, điện…
Trong những năm qua, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến khích các địa phương đủ điều kiện chuyển sang đốt rác phát điện. Nhưng thực tế có nhiều dự án điện rác ở khắp các địa bàn tỉnh/thành nhưng phần lớn chưa đi vào hoạt động. Đáng ghi nhận là tại TP. Cần Thơ, bắt đầu từ ngày 15/10/2018, đã có Nhà máy xử lý Chất thải rắn Cần Thơ chính thức hoạt động. Nhà máy có diện tích 5,3 ha, đặt tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ, do Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ đầu tư xây dựng và quản lý vận hành. Mỗi ngày, nhà máy xử lý hơn 500 tấn rác thải sinh hoạt của TP. Cần Thơ với hình thức đốt rác sản sinh ra nguồn điện. Tính đến đầu năm 2023, nhà máy đã xử lý hơn 740.000 tấn rác thải, hòa vào lưới điện quốc gia hơn 219 triệu kWh điện. Nước rỉ rác sau xử lý được tái sử dụng cho hoạt động sản xuất, tro xỉ được sàng lọc xử lý và tận dụng làm vật liệu xây dựng, tro bay được xử lý hóa rắn an toàn. Do đó, khoảng 75% lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày của Cần Thơ được đưa về Nhà máy xử lý Chất thải rắn Cần Thơ để đốt. Toàn bộ quy trình xử lý được thực hiện khép kín, không gây mùi hôi phát tán ra bên ngoài.
Trong các cuộc Hội nghị, Hội thảo toàn quốc về Bảo vệ môi trường và Biến đổi khí hậu diễn ra tại Cần Thơ những năm gần đây, hầu hết các chuyên gia đầu ngành về môi trường cũng đều khẳng định đốt rác phát điện đang là giải pháp tối ưu trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Công nghệ này được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước phát triển như: Nhật Bản, EU,… bởi vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa cung cấp năng lượng cho xã hội.
Giáo sư, tiến sĩ Khoa học Lê Huy Bá, giáo viên thỉnh giảng tại Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh tâm đắc: “Xu thế đốt rác lấy điện là xu thế tất yếu cho một đô thị thông minh, càng sớm càng tốt, chứ không thể chần chừ mãi được nữa. Đô thị thông minh thì phải kèm cả vấn đề xử lý rác thật khoa học, thật hiện đại, phải chấm dứt việc chôn lấp rác. Năm 2023 là phải đạt mục tiêu đổi rác lấy điện”.
Chỉ sau 2 năm hoạt động, gần cuối năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận, Nhà máy xử lý chất thải rắn Cần Thơ đã hoàn thành 5 công trình bảo vệ môi trường. Đồng thời, Nhà máy cũng nhận Giải thưởng Quy hoạch đô thị Quốc gia do Hội Quy hoạch Phát triển Ðô thị Việt Nam tổ chức.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Cần Thơ đánh giá cao đối với nhà máy đốt rác phát điện và đã chuẩn bị đất sạch, lựa chọn nhà đầu tư nhằm nhân rộng ở nhiều quận/huyện: “Chúng tôi giao Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch mời gọi, xây thêm một modun nữa, có nghĩa là thêm một dây chuyền để chúng ta đốt rác phát điện theo mô hình này. Công suất khoảng 500 tấn rác/ngày”.
Để giảm lượng rác thải nhất là rác không tự phân hủy và kích thích ngành xử lý rác thải thành sản phẩm có ích cho cuộc sống, trong sản xuất và sinh hoạt hàng ngày, mọi người nên ưu tiên sử dụng các vật dụng, bao bì hữu cơ, tự hoại hạn chế sử dụng vật liệu nhựa, ni lông. Trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cần nhân rộng mô hình sản xuất an toàn sinh học, “nông nghiệp xanh”, ưu tiên sử dụng phân, thuốc hữu cơ thân thiện với môi trường, giảm lượng rác thải ra môi trường.
Ngoài ra, các địa phương vùng ĐBSCL cần tổ chức tham quan, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm để áp dụng công tác xử lý rác thải trong và ngoài nước; khuyến khích các mô hình xử lý rác tiên tiến “biến” rác thải sinh hoạt tái chế làm phân compost, đốt rác sản xuất điện; sản ra than bùn, tái chế thành gạch xây dựng…
Rác thải phát sinh do nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của con người, vấn đề đặt ra là chúng ta phải biết xử lý rác thải kịp thời, hợp lý để trở thành có ích cho cuộc sống, tránh những hệ lụy gây ra từ rác thải, nhất là gây hại đến sức khỏe cộng đồng hôm nay và mai sau./.
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.