Giảm điểm ưu tiên, tạo sự công bằng
Dự thảo quy chế tuyển sinh 2018 đã được hoàn thiện và trình lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo ký ban hành. Đáng lưu ý là sau gần 15 năm duy trì ổn định, mức điểm chênh lệch giữa 2 khu vực ưu tiên đã hạ xuống chỉ còn một nửa
Thí sinh thành phố rớt vì không có điểm ưu tiên
Tại khoản 5, điều 7 về khung điểm ưu tiên theo đối tượng và KV trong dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH 2018 quy định, mức chênh lệch giữa hai KV kế tiếp là 0,25 điểm (thay vì chênh lệch như hiện nay là 0,5 điểm) tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) không nhân hệ số theo thang điểm 10. Theo quy định mới, điểm ưu tiên KV cao nhất sẽ là 0,75 điểm dành cho thí sinh KV1. Điểm ưu tiên cho thí sinh KV2 nông thôn, KV2 lần lượt là 0,5 và 0,25 điểm; tức giảm một nửa so với quy định hiện hành.
Học sinh tỉnh Đắk Lắk theo dõi thông tin mới về tuyển sinh năm 2018 trên Báo Người Lao Động Ảnh: CAO NGUYÊN
Như vậy là sau gần 15 năm duy trì ổn định, mức điểm chênh lệch giữa 2 KV ưu tiên đã hạ xuống chỉ còn một nửa. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thừa nhận chính sách ưu tiên thời gian gần đây đã bộc lộ những hạn chế. Thực tế, chính sách ưu tiên được ban hành là để bảo đảm công bằng về cơ hội học tập nhưng ở một số trường hợp đã cho thấy sự mất công bằng.
Ví dụ sinh động nhất là việc năm 2017 có thí sinh 30 điểm tuyệt đối nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1 do không được cộng điểm ưu tiên. Thống kê cho thấy số thí sinh không có điểm ưu tiên KV trúng tuyển vào các trường công an dưới 5% tổng số thí sinh trúng tuyển. Còn tại Trường ĐH Y Hà Nội, có đến gần 90% thí sinh trúng tuyển là nhờ điểm ưu tiên. Riêng ngành bác sĩ đa khoa có đến hơn 95% thí sinh trúng tuyển vào trường năm 2017 có điểm cộng ưu tiên.
Các thí sinh ở thành phố có rất ít cơ hội vào các trường “hot” do “thua” các học sinh khác vì không có điểm ưu tiên khu vực. Thực tế, Bộ GD-ĐT cũng đã thành lập tổ công tác nghiên cứu về các chính sách ưu tiên trong tuyển sinh trước khi đưa ra chủ trương giảm một nửa số điểm ưu tiên khu vực.
Phân tích từ dữ liệu tuyển sinh năm 2017 cho thấy mức điểm ưu tiên hiện hành ở KV1, KV2-NT và KV2 đối với các thí sinh trúng tuyển từ mức 20 điểm trở lên đã làm cho khu vực được ưu tiên có điểm cao hơn vùng học thực lực, gây ra mất công bằng. Với các thí sinh trúng tuyển từ mức 27 điểm trở lên, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển ở KV1 tăng đột biến, trong khi tỉ lệ thí sinh trúng tuyển ở KV3 giảm đáng kể. Khi chưa tính điểm ưu tiên KV, thí sinh KV3 (thí sinh thành phố không được cộng điểm ưu tiên) chiếm ưu thế về điểm số so với thí sinh KV1. Tuy nhiên, trong kết quả xét tuyển cuối cùng, tỉ lệ thí sinh ở KV không được ưu tiên trúng tuyển thấp, còn tỉ lệ thí sinh có điểm ưu tiên thì trúng tuyển cao.
Tác động đến hơn 80% thí sinh
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy có 82%-83% thí sinh đang hưởng chế độ ưu tiên KV. Vì vậy, việc giảm điểm ưu tiên giữa các khu vực xuống chỉ còn một nửa sẽ tác động mạnh đến các thí sinh này. Đặc biệt, với đề thi mà tính phân hóa chưa cao như năm 2017, thí sinh chỉ chênh nhau mức điểm rất nhỏ cũng đã trượt – đỗ thì mức chênh lệch 0,5 điểm rất quan trọng.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), chia sẻ ông hoàn toàn ủng hộ chủ trương rút ngắn khoảng cách ưu tiên giữa các KV. “Phải thay đổi chính sách ưu tiên để vừa tạo điều kiện cho học sinh vùng sâu, vùng xa nhưng vẫn thu hút được sinh viên giỏi vào những trường tốp đầu. Rõ ràng, việc cộng quá nhiều điểm ưu tiên thì sẽ tạo ra sự mất công bằng đối với các thí sinh không được cộng điểm” – ông Lâm nói.
TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây (Hà Nội), chia sẻ với báo chí về một giải pháp giúp mang lại sự công bằng cho các thí sinh. Ông Minh cho rằng chính sách cộng điểm ưu tiên là việc cần thiết. Bên cạnh đó, việc làm sao để không tước đi cơ hội học tập tại những ngành “hot” của các thí sinh giỏi KV3 cũng là điều cần phải làm. Để giải quyết được vấn đề trên, ngoài việc rút ngắn khoảng cách điểm ưu tiên giữa các KV, đối với các ngành “hot”, các trường nên dành 50% chỉ tiêu đầu tiên cho những thí sinh có điểm cao nhất (không cộng điểm ưu tiên), 50% còn lại dành cho những thí sinh chưa đạt điểm chuẩn được phép cộng điểm ưu tiên để “thi đấu” với nhau để tạo sự công bằng.
Đề thi cần phân hóa tốt hơn
Nhiều chuyên gia tuyển sinh khi được hỏi cũng cho rằng để mang đến sự công bằng cho thí sinh, bên cạnh điều chỉnh điểm ưu tiên KV, Bộ GD-ĐT cần phải dành nhiều sự quan tâm hơn đến ngân hàng đề thi để bảo đảm đề thi được phân hóa tốt hơn, tránh việc “mưa” điểm 9-10 như năm trước.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.