GIAN NAN CUỘC CHIẾN CHỐNG LAO (*): Kỳ thị khiến bệnh lây lan

Nhiều người nghĩ lao là căn bệnh không chữa trị được, cộng với điều kiện kinh tế khó khăn nên nản chí, bỏ điều trị khiến bệnh trầm trọng hơn và trở thành nguồn lây nhiễm cho cộng đồng

Những ngày đầu tháng 6-2018, Bệnh viện (BV) Phổi TP Đà Nẵng dường như bức bối hơn trong thời tiết nắng gắt. Các khoa, phòng đều vắng lặng, hầu hết chỉ có bệnh nhân với y – bác sĩ (BS). Như biết căn bệnh phải điều trị dài ngày lại có khả năng lây nhiễm cao, nhiều bệnh nhân không muốn để người nhà đến chăm sóc.

Một người mắc lao, cả nhà nhiễm theo

BS Nguyễn Thanh Mai, Trưởng Khoa Nội 1 BV Phổi TP Đà Nẵng, cho biết bệnh nhân của khoa chủ yếu là người lao động nghèo, thi thoảng mới có vài trường hợp là công chức hay giáo viên.

“Do tâm lý là gia đình nghèo, cộng với việc người bệnh thường là trụ cột chính của gia đình nên nhiều người mắc bệnh lao thường phát hiện trễ do không đến BV kịp thời. Khi biết bị lao thì đã đến lúc bệnh nhân mắc nhiều bệnh khác như tiểu đường, gan, phổi…” – BS Mai lo ngại.

GIAN NAN CUỘC CHIẾN CHỐNG LAO (*): Kỳ thị khiến bệnh lây lan - Ảnh 1.

Bác sĩ Phùng Đình Thạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, khám và tư vấn cho bệnh nhân lao Ảnh: BÍCH VÂN

Theo BS Mai, bệnh lao vẫn còn bị xã hội kỳ thị, gây mặc cảm cho nhiều bệnh nhân. “Sống trong xóm, nếu biết tin ai có bệnh lao thì nhiều người xa lánh ngay. Vì thế bệnh nhân thường không dám công khai chữa bệnh, sợ bị xa lánh, kỳ thị. Tâm lý này khiến bệnh trầm trọng, khả năng lây nhiễm cao hơn” – BS Mai lý giải.

Ở khoa Nội 1, BS Mai từng chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân vì giấu bệnh, không điều trị kịp thời dẫn đến lây nhiễm cho cả gia đình. Anh T. T. B (một bệnh nhân còn trẻ, làm công nhân) là trường hợp điển hình. B. phát hiện mắc bệnh lao và điều trị không dứt điểm. Thời gian này, khi đi tầm soát lao, vợ và con anh cũng mắc bệnh.

“Trước đây, tôi làm công nhân ở khu công nghiệp, do đồng lương ít ỏi, cộng với gia đình khó khăn nên không thể nghỉ việc để chữa trị dài ngày. Tôi điều trị tại nhà và kết quả là vợ con tôi bị lây bệnh. Giờ hối hận đã muộn. Tôi sẽ cố gắng chữa trị nhanh khỏi để còn lo cho vợ con” – anh B. tâm sự.

Điều trị dai dẳng, chi phí tốn kém

Giới chuyên môn cho rằng một trong những điều khiến bệnh lao vẫn đeo bám xã hội đến nay là do người bệnh chủ quan. Theo PGS-TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương – Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia, ở nước ta hiện nay, tình trạng bệnh lao đa kháng thuốc và bệnh lao ở người nhiễm HIV cũng diễn biến phức tạp, ở mức cao. Số bệnh nhân chưa được phát hiện còn quá lớn, là nguồn lây nhiễm theo cấp số nhân ra cộng đồng. Trong khi đó, sự kỳ thị với bệnh này của nhiều người còn lớn, khiến người mắc lao giấu bệnh, tự chạy chữa nên bệnh càng nặng và nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất cao.

BS Nguyễn Thị Thùy Dung, Khoa Lao hô hấp BV Phổi Trung ương, cho biết những lo lắng và suy nghĩ của bệnh nhân khi biết tin mình mắc bệnh lao đều như nhau. Đó là hoang mang, lo sợ bị kỳ thị. Tuy nhiên, sau khi được BS tư vấn, giải thích, họ dần ổn định tâm lý và hợp tác điều trị.

Theo BS Dung, đa phần bệnh nhân điều trị tại BV Phổi trung ương đều có bệnh diễn tiến nặng. Họ không chỉ bị lao mà thường mắc kèm nhiều bệnh khác. Thuốc điều trị bệnh lao tuy miễn phí nhưng vì họ mắc bệnh phối hợp nên chi phí cho những bệnh đi kèm khác vô cùng tốn kém.

“Đặc biệt, những bệnh nhân mắc lao mà kèm theo suy thận, nhiễm HIV thì việc điều trị vô cùng khó khăn, gánh nặng kinh tế rất lớn. Vì khi đó, chi phí thuốc ngoài danh mục bảo hiểm sẽ rất tốn kém” – BS Dung nhấn mạnh.

BS Lê Thành Phúc, Giám đốc BV Phổi Đà Nẵng, cho hay so với các năm trước, người mắc bệnh lao tại Đà Nẵng đã có xu hướng giảm, trung bình 4,5% mỗi năm. Hiện mỗi năm, toàn TP phát hiện và đưa vào điều trị khoảng 1.500 bệnh nhân lao.

Với sự hỗ trợ và giúp đỡ của Chương trình Chống lao quốc gia, BV Phổi trung ương và các tổ chức quốc tế, tất cả xét nghiệm chẩn đoán và thuốc điều trị bệnh lao cũng như thuốc điều trị tác dụng phụ ở BV Phổi Đà Nẵng đều được cấp miễn phí.

Xét nghiệm tầm soát bệnh nhân lao kháng thuốc hiện nay được áp dụng theo chỉ định của Chương trình Chống lao quốc gia và hoàn toàn miễn phí. Theo đơn giá của BHYT là 2,2 triệu đồng cho mỗi xét nghiệm. Bệnh viện đã miễn phí cho riêng loại xét nghiệm này khoảng 2.000 mẫu/năm, ước tính 4 tỉ đồng.

PGS-TS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh: “Mắc lao không có lỗi nhưng giấu bệnh không những có lỗi với bản thân mình mà còn có lỗi với người xung quanh và cộng đồng. 40% người không phát hiện bệnh để được chữa trị sẽ tử vong”.

20.000 bệnh nhân lao chưa có thẻ BHYT

Theo Bộ Y tế, hiện nay, trên 20.000 người mắc lao vẫn chưa có thẻ BHYT. Cùng đó, có tới 98% số người mắc lao kháng thuốc tại Việt Nam phải đối diện với gánh nặng chi phí dù cũng đã có sự hỗ trợ của nhà nước.

Mới đây, Chương trình Chống lao quốc gia đã thành lập Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao nhằm hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Mục tiêu cơ bản của quỹ là giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn để mọi người đều được phát hiện sớm và chữa khỏi bệnh lao, không để bệnh lây lan ra cộng đồng, tiến tới chấm dứt bệnh này.

Quỹ sẽ hỗ trợ khoảng 20.000 bệnh nhân lao tham gia BHYT cũng như đồng chi trả 5% cho những bệnh nhân nghèo và các chi phí chưa được quỹ BHYT chi trả.

Hiện nay, BHYT đã chi trả cho chẩn đoán và điều trị lao. Đến năm 2019, BHYT sẽ bao phủ thuốc điều trị thiết yếu cho bệnh nhân lao.

Nguồn nld.com.vn