Giao lưu trực tuyến về Bộ luật Dân sự 2015
Bộ luật dân sự 2015 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2017 với nhiều quy định mới tác động trực tiếp tới đời sống của người dân. Sáng 9/12, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức buổi giao lưu trực tuyến nhằm giúp độc giả hiểu rõ thêm về các quy định mới tại Bộ luật này.
Bộ luật dân sự năm 2015 được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2015; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 được bố cục chia làm 6 phần, 27 chương với 689 điều; trong đó giữ nguyên 81 điều, bổ sung 70 điều, sửa đổi 573 điều, bãi bỏ 123 điều so với BLDS năm 2005.
Giao lưu trực tuyến về Bộ luật dân sự 2015. (Ảnh: PL).
Bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự
Tại buổi giao lưu trực tuyến, PGS.TS Nguyễn Văn Cừ, Trưởng khoa Pháp luật Dân sự, Đại học Luật Hà Nội đã giới thiệu những quy định mới nổi bật của BLDS 2015.
Về nội dung, BLDS 2015 có nhiều quy định mới, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Sự ra đời của BLDS 2015 đã khắc phục được những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thi hành và áp dụng BLDS 2005; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, ổn định và bao quát của hệ thống pháp luật dân sự và luật khác có liên quan. Đặc biệt, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân về kinh tế, chính trị, dân sự, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo hiến pháp và pháp luật. Những quyền này của công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng (Điều 14 Hiến pháp 2013).
Bộ luật quy định “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”. Đây là một quy định mới mang tính chất đột phá, góp phần bảo vệ một cách kịp thời và triệt để hơn quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự.
Một vấn đề cũng nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc, đó là việc Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực sẽ tác động như thế nào tới các quyền nhân thân? Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Cừ cho biết: Khi BLDS năm 2015 có hiệu lực, các quyền nhân thân cá nhân theo quy định của BLDS cũng không có gì thay đổi. Khác với BLDS 2005, BLDS 2015 chỉ quy định các quyền nhân thân của cá nhân liên quan đến việc xác định tư cách chủ thể của cá nhân trong các quan hệ dân sự và những quyền nhân thân gắn liền với lợi ích tinh thần của cá nhân, nhưng chưa được quy định cụ thể trong Hiến pháp như quyền có họ, tên; quyền thay đổi họ tên; quyền xác định, xác định lại dân tộc; quyền được khai sinh, khai tử; quyền đối với quốc tịch; quyền của cá nhân đối với hình ảnh…
Đối với các quyền nhân thân khác thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân (Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo…) thì Bộ luật Dân sự 2015 không quy định mà dành cho các luật liên quan khác điều chỉnh.
Thông thường các quyền nhân thân của chủ thể có đặc điểm luôn gắn liền với nhân thân người đó, không thể chuyển giao cho người khác được. Vì vậy, các quyền nhân thân của cá nhân không có gì thay đổi, trừ trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính.
Cần loại trừ tính thương mại trong chuyển đổi giới tính
Liên quan đến quy định mới về quyền chuyển đổi giới tính (điều 37 BLDS 2015), PGS.TS Nguyễn Văn Cừ phân tích, không nên hiểu rằng ai thích chuyển đổi giới tính thì chuyển đổi. Những người cần phải chuyển đổi giới tính và đáp ứng các điều kiện, quy định của pháp luật thì mới được phép thực hiện. Khi Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực, áp dụng Điều 37, cần có những văn bản pháp quy của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ví dụ nghị định quy định chi tiết thi hành, hoặc Luật chuyển đổi giới tính. “Chỉ khi có quy định cụ thể thì mới thực hiện được trong thực tế”, PGS.TS Nguyễn Văn Cừ nói.
Đồng thời, cho rằng khi xây dựng Nghị định hoặc luật về vấn đề này, cần quy định cụ thể, rõ ràng, đảm bảo quy định thật chặt chẽ. Chuyển đổi giới tính với mức độ toàn bộ, triệt để, không nên chuyển đổi từng phần. Đồng thời cần loại trừ tính thương mại, tính phong trào; cấm chuyển đổi giới tính vào những mục đích khác và cần quy định cụ thể về hệ quả pháp lý của vấn đề này./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.