Giáo sư Trần Văn Khê
Trần Văn Khê sinh ngày 24 tháng 7 năm Tân Dậu (1921) trong một gia đình có bốn đời làm nhạc sĩ, nên từ nhỏ ông đã làm quen với nhạc cổ truyền. Năm lên 6 tuổi ông đã được cô (Ba Viện) và cậu (Năm Khương) dạy đàn kìm, đàn cò, đàn tranh, biết đàn những bản dễ như “Lưu Thuỷ”, “Bình Bán vắn”, “Kim Tiền”, “Long Hổ Hội”. Ông nội ông là Trần Quang Diệm (Năm Diệm), cha ông là Trần Quang Chiêu (Bảy Triều), cô là Trần Ngọc Viện (tức Ba Viện, người đã sáng lập gánh cải lương Đồng Nữ ban), đều là những nghệ nhân âm nhạc cổ truyền nổi tiếng. Cụ cố ngoại ông là tướng quân Nguyễn Tri Phương. Ông ngoại ông là Nguyễn Tri Túc, cũng say mê âm nhạc, có ba người con đều theo nghiệp đờn ca. Một trong số đó Nguyễn Tri Khương, thầy dạy nhạc và nhà soạn tuồng cải lương nổi tiếng. Riêng mẹ ông là Nguyễn Thị Dành (Tám Dành), sớm tham gia cách mạng, gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930 và bị thương rồi mất trong năm đó. Cha ông vì thương nhớ vợ nên qua đời năm 1931. Ông có một người anh họ ngoại (con ông Nguyễn Tri Lạc) là nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca.
Mồ côi từ rất sớm, mẹ mất năm 9 tuổi, cha mất năm 10 tuổi, nên ông cùng với hai em là Trần Văn Trạch (về sau là một ca sĩ nổi tiếng, có biệt danh Quái kiệt), Trần Ngọc Sương được cô Ba Viện nuôi nấng. Cô Ba Viện rất thương, cho anh em ông đi học võ, học đàn kìm.
Năm 10 tuổi, Trần Văn Khê đậu tiểu học, sang Tam Bình, Vĩnh Long nhờ người cô thứ năm nuôi. Đến đây Trần Văn Khê được học chữ Hán với nhà thơ Thượng Tân Thị. Trong kỳ sơ học năm 1934 tại Vĩnh Long được đậu sơ học có phần Hán Văn. Cả tỉnh chỉ có Trần Văn Khê và Nguyễn Trọng Danh được đậu bằng chữ Hán.
Năm 1934, ông vào trường Trung học Trương Vĩnh Ký, được cấp học bổng. Học rất giỏi, năm 1938 ông được phần thưởng là một chuyến du lịch từ Sài Gòn đến Hà Nội, ghé qua Phan Thiết, Đà Nẵng, Nha Trang, Huế. Nhờ đậu tú tài phần nhất năm 1940, thủ khoa phần nhì năm 1941, ông được đô đốc Jean Decoux thưởng cho đi viếng cả nước Campuchia xem Chùa Vàng, Chùa Bạc tại Nam Vang, viếng Đế Thiên Đế Thích. Khi về Việt Nam, nhờ thầy Phạm Thiều giới thiệu, ông được Đông Hồ tiếp đãi, dẫn đi chơi trong một tuần.
Thời gian này, ông cùng Lưu Hữu Phước, Võ Văn Quan lập dàn nhạc của trường, và dàn nhạc của học sinh trong câu lạc bộ học sinh mang tên là Scola Club của hội SAMIPIC. Ông là người chỉ huy hai dàn nhạc đó.
Năm 1942, Trần Văn Khê ra Hà Nội học y khoa. Tại đây, cùng với Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Phan Huỳnh Tấng (nay đổi thành Phạm Hữu Tùng), Nguyễn Thành Nguyên, hoạt động trong khuôn khổ của Tổng hội Sinh viên. Do thể hiện một trình độ cảm nhạc xuất sắc, ông được cử làm nhạc trưởng của giàn nhạc trường, nhân giới thiệu những bài hát của Lưu Hữu Phước. Ông còn tham gia phong trào “Truyền bá quốc ngữ” trong ban của GS Hoàng Xuân Hãn, “Truyền bá vệ sinh” của các sinh viên trường Thuốc, và cùng các bạn Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng tổ chức những chuyến “đi Hội đền Hùng”, và đi viếng sông Bạch Đằng, Ải Chi Lăng, đền Hai Bà.
Năm 1943, ông cưới bà Nguyễn Thị Sương, và sau đó có nhiều sự kiện làm Trần Văn Khê phải xin thôi học để trở về miền Nam. Con trai ông là Trần Quang Hải, sinh năm 1944, sau này cũng là một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam danh tiếng.
Ông sang Pháp du học từ năm 1949. Hè năm 1951, ông thi đậu vào trường Chánh trị Khoa giao dịch quốc tế. Cho đến năm 1958, ông theo học khoa nhạc học và chuẩn bị luận án tiến sĩ dưới sự chỉ đạo của các Giáo sư Jacques Chailley, Emile Gaspardone và André Schaeffner. Tháng 6 năm 1958, ông đậu Tiến sĩ Văn khoa (môn Nhạc học) của Đại học Sorbonne. Từ năm 1963, ông dạy trong Trung tâm Nghiên cứu nhạc Đông phương, dưới sự bảo trợ của Viện Nhạc học Paris (Institut de Musicologie de Paris). Ông là thành viên của Viện Khoa học Pháp, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm châu Âu về Khoa học, Văn chương và Nghệ thuật cũng như nhiều hội nghiên cứu âm nhạc quốc tế khác; là Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện quốc tế nghiên cứu âm nhạc bằng phương pháp đối chiếu của Đức (International Institute for Comparative Music Studies).
Ra nước ngoài sinh sống từ năm 27 tuổi và đã đi 67 nước trên khắp thế giới để nói chuyện, giảng dạy về âm nhạc dân tộc Việt Nam. Sau 55 năm sinh sống tại nước ngoài, Giáo sư Trần Văn Khê quyết định về nước, mang theo 450 kiện hàng chất đầy 1 container, gồm: sách báo, tạp chí, băng đĩa, máy móc, nhạc cụ… mà phần nhiều là những tư liệu quý giá về âm nhạc dân tộc Việt Nam và thế giới.
Tình yêu quê hương
Có một tình yêu rất lớn dành cho âm nhạc dân tộc, đã nhiều lần GS Trần Văn Khê mong muốn về định cư hẳn tại Việt Nam, nhưng ông không thực hiện được chỉ vì một nguyên nhân – ông về nước mà không được mang theo kho tư liệu khổng lồ của mình mà ông đã sưu tầm, lưu giữ suốt mấy chục năm qua. Với ông, đó là cả một gia tài lớn mà ông muốn hiến tặng đất nước, cho những người có chung tình yêu dành cho âm nhạc dân tộc giống như ông. Mãi đến năm 2004, khi được Sở VH-TT-DL TPHCM đồng ý tiếp nhận số tư liệu này, GS Trần Văn Khê mới chính thức về định cư tại quê nhà và mang theo 450 kiện hàng ra khỏi nước Pháp để lên tàu về Việt Nam và ông cũng đã tự bỏ ra 10.000USD lo chi phí vận chuyển số tư liệu này. 450 kiện hàng ấy đã 4 năm nằm im trong một căn phòng tại Bảo tàng TPHCM, trong quá trình thành phố tìm kiếm nhà cho giáo sư có nơi định cư ổn định. Giờ đây, với căn nhà rộng 200m2 nằm trên một con đường yên tĩnh tại quận Bình Thạnh, GS Trần Văn Khê đã có thể yên lòng khi toàn bộ số tài liệu, tư liệu mà ông công phu mang từ nước ngoài về đã có nơi chốn riêng biệt để bảo quản và được nhân viên Thư viện TPHCM hàng ngày đến phân loại, sắp xếp theo đúng quy chuẩn của một thư viện về sách, báo, tạp chí, tài liệu dành cho việc nghiên cứu, tham khảo.
Đến thăm kho tư liệu, cảm giác thật ngỡ ngàng, xúc động khi được nhìn thấy quá nhiều tài liệu có giá trị và mang đậm tính thời gian. Những cuốn sách về âm nhạc, nhạc cụ dân tộc Việt Nam; những đĩa hát gốc từ những thập kỷ và thế kỷ trước; những băng nhạc cùng vô số máy chụp hình, máy ghi âm và máy nghe nhạc… mà ông đã từng sử dụng trong thời gian 2 năm ông làm báo và thật cảm động khi nhìn thấy gần 100 cuốn sổ tay lớn nhỏ được ông ghi chép trong những lần đi công tác, giảng dạy hoặc được mời tham gia những buổi hòa nhạc, xem phim, thậm chí là những buổi gặp gỡ bạn bè thân tình, những chuyện trao đổi thật riêng tư… Ngoài ra còn có những tấm thiệp nhỏ, hộp diêm bé xíu, mảnh giấy có thủ bút của những người nổi tiếng, như: Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Phạm Duy…
100 cuốn du ký
Nói về kho tư liệu này, GS Trần Văn Khê chia sẻ: “Gần 100 cuốn sổ tay tôi gọi là cuốn du ký và tôi quý lắm. Đi đến đâu tôi đều ghi lại đầy đủ và giữ từ tấm thiệp mời, thư từ của bạn bè, trong đó có cả thực đơn khi đi ăn cùng bạn bè, tôi giữ lại và đưa họ ký vào để làm kỷ niệm. Số sách báo có cái sưu tầm phục vụ nghiên cứu, giảng dạy; có cái tôi mua để xem chơi, nhưng là tài liệu rất tốt cho những ai muốn tìm hiểu về âm nhạc của thế giới. Mỗi cây đàn ở đây đều có “lịch sử” riêng…”. Kho tài liệu của GS Trần Văn Khê được sắp xếp theo ngôn ngữ, bộ môn… và gắn mã số để tiện việc tra cứu, tìm kiếm. Tuy nhiên, vì còn rất nhiều băng từ trong giai đoạn phân định, sang chép sang dạng DVD, CD, nên kho tư liệu này vẫn chưa thể mở rộng cho nhiều đối tượng tham khảo, tiếp cận.
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (chi nhánh phía Nam) cũng đã tìm đến GS Trần Văn Khê để thực hiện việc xây dựng phông lưu trữ cá nhân cho ông. Có thời gian theo sát quá trình sắp xếp, phân loại kho tư liệu của GS Trần Văn Khê, bà Võ Thị Xuân Mai, Phó Trưởng phòng Thu thập Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, cho biết: “Kho tư liệu của thầy quá phong phú và giá trị, chúng tôi không dám “đụng” tới. Trung tâm chỉ tập trung vào những khen thưởng quốc tế của thầy, quá trình cống hiến, giảng dạy và những kiến thức về âm nhạc dân tộc của thầy đã là một “kho” tư liệu đầy đặn lắm”.
55 năm sống ở nước ngoài nhưng vẫn mang quốc tịch Việt Nam, một đời GS Trần Văn Khê chỉ đau đáu nỗi niềm và tình yêu dành cho âm nhạc dân tộc. Ở tuổi 93, trải qua nhiều thăng trầm; giáo sư vẫn minh mẫn, lạc quan và cho rằng đời sống của mình thế cũng là viên mãn lắm: “Muốn sống, muốn mua cái gì cũng được, cũng có. Thi thoảng, vẫn được nơi này nơi kia mời nói chuyện về âm nhạc và được trả thù lao đàng hoàng. 93 tuổi vẫn được như vậy, còn muốn gì nữa”. Tất cả những việc ông làm, đều chỉ với mong muốn làm sao cho thế giới biết và yêu mến âm nhạc dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam. Với cảm nhận của cá nhân người viết, tự bản thân ông, đã cho bạn bè thế giới cảm mến về cốt cách, tài năng của một người Việt Nam đích thực.
Nguồn thanhcong.ssc.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.