Giật mình với quản lý chất cấm

Sau khi ra quân trên cả nước, các ngành chức năng phát hiện hàng loạt cá nhân, cơ sở, đơn vị kinh doanh trái phép chất tạo nạc salbutamol từ nguồn nhập khá dồi dào, chưa được kiểm soát chặt

Trong khi trách nhiệm để chất tạo nạc tràn lan trong chăn nuôi giữa Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chưa được phân định rõ ràng, có thể thấy cơ quan chức năng đã buông lỏng quản lý nguyên liệu độc hại này.

Thực tế nhập nhiều hơn trên sổ sách

Mới đây, sau khi kiểm tra, Cục Quản lý dược – Bộ Y tế phát hiện Công ty TNHH Hóa dược quốc tế Phương Đông (Hà Nội) nhập khẩu salbutamol nhiều hơn 200 kg so với số lượng trên đơn hàng nhập khẩu nguyên liệu, tá dược, bán thành phẩm thuốc đã được cục này phê duyệt ngày 25-2-2014.

Không những thế, công ty này còn bán buôn nguyên liệu salbutamol cho các đơn vị, cá nhân không đủ điều kiện kinh doanh thuốc. Do vi phạm nghiêm trọng quy định trong hoạt động kinh doanh nguyên liệu làm thuốc, công ty này đã bị Cục Quản lý dược đình chỉ hoạt động kinh doanh thuốc, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, dừng xem xét, tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuốc, hồ sơ nhập khẩu thuốc.

Lực lượng chức năng phát hiện chất cấm salbutamol trong thức ăn chăn nuôi tại Công ty Trường Phú (tỉnh Hải Dương) Ảnh: MINH LONG
Lực lượng chức năng phát hiện chất cấm salbutamol trong thức ăn chăn nuôi tại Công ty Trường Phú (tỉnh Hải Dương)
Ảnh: MINH LONG

Đáng nói là sau gần 2 năm được phép nhập nguyên liệu salbutamol, sai phạm của Công ty TNHH Hóa dược quốc tế Phương Đông mới được phát hiện.

Theo Tổng cục Hải quan, các mặt hàng có hoạt chất salbutamol không thuộc danh mục cấm nhập khẩu theo quy định của Bộ Y tế. Chín tháng đầu năm 2015, nguyên liệu salbutamol nhập về Việt Nam là 4,6 tấn, chưa kể 1,9 triệu bao các loại tân dược khác có hàm lượng salbutamol đã được đưa vào Việt Nam.

Trong khi đó, Cục Quản lý dược – đơn vị trực tiếp cấp phép cho các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu salbutamol – khẳng định năm 2015 mới cấp phép nhập khẩu 3,5 tấn salbutamol.

Trong những năm trước, các công ty dược nhập khẩu 2-4 tấn salbutamol/năm. Đối với dược phẩm dạng viên chứa hoạt chất salbutamol, hiện có 33 loại thuốc có số đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam, trong đó 2 số đăng ký thuốc nước ngoài và 31 số đăng ký thuốc sản xuất trong nước. Ngoài ra còn có một số chế phẩm dạng khí dung định liều, dạng tiêm cũng có chứa salbutamol.

Theo quy định, chỉ những DN có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc và đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” (GMP) mới được nhập khẩu nguyên liệu salbutamol để sản xuất thuốc; những DN đủ điều kiện kinh doanh thuốc và có kho thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt bảo quản thuốc” (GSP) mới được nhập khẩu salbutamol để bán cho các DN sản xuất thuốc có số đăng ký còn hiệu lực.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, cho rằng việc Bộ NN-PTNT nhận định tình trạng tồn dư chất cấm trong chăn nuôi (chất kháng sinh, tạo nạc salbutamol và clenbuterol) liên quan đến việc Bộ Y tế chưa quản lý chặt các chất nói trên là rất khó xảy ra bởi những chất này nếu dùng cho y học thì đòi hỏi chất lượng và độ tinh khiết rất cao, chi phí đắt, người chăn nuôi không dễ sử dụng. Ngoài ra, việc nhập khẩu còn phải chịu sự quản lý rất ngặt nghèo của Bộ Y tế.

Hàng chục mẫu vượt ngưỡng cho phép

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng Phòng Thanh tra chuyên ngành Thanh tra Bộ NN-PTNT, cho biết đã cùng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm môi trường (C49) – Bộ Công an lấy 89 mẫu thức ăn chăn nuôi của các công ty nghi vấn để xét nghiệm, kết quả có 23 mẫu dương tính với salbutamol, trong đó 16 mẫu vượt ngưỡng cho phép (50 ppb). Kiểm tra 13 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, trong đó 2 công ty có sử dụng salbutamol là Trường Phú và Thịnh Đức. Hai công ty này còn sử dụng chất tạo màu công nghiệp (auramine) để sản xuất thức ăn cho gà. Toàn bộ sản phẩm vi phạm đã được xử lý. Cơ quan công an đang mở rộng điều tra để làm rõ hành vi và mức độ vi phạm.

Theo Bộ NN-PTNT, mỗi ngày bộ nhận khoảng 20 thông tin phản ánh về các hành vi vi phạm trên cả nước, trong đó có nhiều tin tố cáo sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Nhận được thông tin phản ánh một số trang trại chăn nuôi tại 2 huyện Hoài Đức và Quốc Oai, TP Hà Nội có sử dụng chất cấm, hôm 2-12, thanh tra bộ đã kiểm tra đột xuất trang trại của ông Nguyễn Quyền Anh (xóm 12B, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức) và lấy mẫu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Kết quả kiểm định cho thấy có chất cấm salbutamol với hàm lượng là 4.845 ppb (gấp gần 100 lần mức cho phép). Sau đó, đoàn thanh tra tiếp tục kiểm tra trang trại của ông Nguyễn Văn Quý (thôn Thành Tân, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai). Qua khai báo của chủ trang trại này, trong 2 ngày 3 và 4-12, một đại lý bán cho trang trại 20 bao cám và 1 gói “men tiêu hóa” trọng lượng 0,7 kg. Chủ trang trại cho biết do nghi “men tiêu hóa” là chất cấm nên đã không sử dụng.

Nguồn NLĐ