Gò Công – xứ sở của nhiều đệ nhất phu nhân
Vùng đất Gò Công “địa linh nhân kiệt” chẳng những đã sản sinh ra nhiều anh hùng liệt nữ lưu danh sử sách mà còn sinh ra nhiều đệ nhất phu nhân, nhiều mỹ nhân sắc nước hương trời, trong đó có Thái hậu Từ Dũ, Nam Phương hoàng hậu…
* Thái Hậu Từ Dũ:
Thái hậu Từ Dũ tên thật là Phạm Thị Hằng, sinh ngày 19-5 năm Canh Ngọ (1810) tại giồng Sơn Quy, nay thuộc xã Long Thuận (TX. Gò Công, Tiền Giang). Thuở nhỏ, bà rất xinh đẹp, thông minh, giỏi cầm, kỳ, thi, họa. Thân phụ của bà là Thượng thư bộ Lễ Phạm Đăng Hưng – một đại công thần của triều Nguyễn. Bà là hoàng phi của vua Thiệu Trị và là người hạ sinh ra hoàng tử Nguyễn Phúc Hồng Nhậm – sau này là vua Tự Đức.
Thái hậu Từ Dũ nổi tiếng là một hiền phụ bậc nhất của Việt Nam vào thế kỷ 19. Bà mất tại kinh thành Huế vào năm 1902, thọ 92 tuổi. Triều thần tôn thụy bà là “Nghi thiên Tán thánh Từ Dũ Bác huệ Trai túc huệ đạt Thọ đức Nhân công Chương hoàng hậu”, gọi tắt là “Từ Dũ Nghi thiên Chương hoàng hậu”.
Lăng mộ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng trong khu di tích Lăng mộ Hoàng Gia thuộc xã Long Hưng, TX. Gò Công. Ảnh: Hữu Chí |
Hiện nay, khu lăng mộ và đền thờ của thân phụ của bà Từ Dũ thái hậu là Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng – ông ngoại vua Tự Đức được xây dựng (vào năm 1826) ở giồng Sơn Quy (nay thuộc xã Long Hưng, TX. Gò Công) vẫn còn được trùng tu và bảo tồn. Đây là một di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia được Bộ Văn hóa Thông tin đã công nhận vào ngày 2-12-1992.
* Nam Phương Hoàng hậu
Nam Phương Hoàng hậu (ảnh) tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan sinh ngày 4 tháng 12 năm 1914 tại làng Đồng Sơn (nay là xã Đồng Thạnh, thuộc huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang). Bà là con gái của đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào và là cháu ngoại của ông Lê Phát Đạt, tức Huyện Sỹ – người bỏ tiền xây dựng Nhà Thờ ở đường Bùi Chu cũ (nay là nhà thờ Huyện Sỹ ở đường Tôn Thất Tùng, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) và nhà thờ Hạnh Thông Tây ở quận Gò Vấp.
Nguyễn Hữu Thị Lan là người nổi tiếng xinh đẹp, từng ba năm liền đạt giải hoa hậu Đông Dương. Chân dung Hoàng hậu Nam Phương được in trên con tem phát hành tại Việt Nam những năm 50 của thế kỷ 20.
Hôn lễ giữa bà và vua Bảo Đại được tổ chức ngày 20 tháng 3 năm 1934 ở Huế. Khi đó Bảo Đại đúng 21 tuổi, còn Nguyễn Hữu Thị Lan 19 tuổi. Ngay ngày hôm sau, lễ tấn phong Hoàng Hậu được diễn ra rất trọng thể ở điện Dưỡng Tâm. Nhà vua phong Hoàng Hậu tước vị Nam Phương Hoàng Hậu.
Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), bà vẫn sinh sống ở Huế. Hưởng ứng “Tuần lễ vàng” do Chính phủ cách mạng non trẻ phát động, bà đã tự nguyện hiến toàn bộ nữ trang để góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ nền độc lập của đất nước vừa mới ra đời. Bà mất ngày 16 tháng 9 năm 1963 tại Pháp.
Nguồn Ấp Bắc
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.