Góp phần tìm lại vị thế “hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông”

  

NDĐT – Ngày 2-7-1976, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất đã ra nghị quyết đổi tên TP Sài Gòn – Gia Định thành TP Hồ Chí Minh khẳng định ý chí và nguyện vọng của quân dân thành phố một lòng đi theo con đường Bác Hồ kính yêu đã chọn.

Thành phố vinh dự được mang tên Bác Hồ sẽ cùng cả nước, vì cả nước, vững vàng phấn đấu, tiếp tục nêu cao tinh thần cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực tìm lại vị thế “hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông”, cùng cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

1

Lý giải mỹ danh “Hòn ngọc Viễn Đông” của Sài Gòn xưa, Hội Kiến trúc sư TP Hồ Chí Minh cho biết, khi xâm chiếm các thuộc địa, người Pháp muốn biến Sài Gòn thành “Hòn ngọc Viễn Đông” nhằm tạo lợi thế của họ tại Sài Gòn để so kè với các thuộc địa khác của người Anh. Vùng Viễn Đông xưa gồm các nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và hầu hết các quốc gia này đều thành thuộc địa hoặc chịu ảnh hưởng của thực dân Pháp và Anh.

Cụm từ “Hòn ngọc Viễn Đông” (La perle de l’Extrême Orient) xuất hiện khi Sài Gòn được quy hoạch lại theo lối phương Tây. Giai đoạn này, khu vực trung tâm thành phố xuất hiện hàng loạt các công trình nổi bật còn tồn tại đến ngày nay như Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát thành phố, Dinh thống đốc, Phủ toàn quyền… Tuyến đường Catinat (Đồng Khởi) được ví như trái tim của Sài Gòn khi tập trung nhiều điểm vui chơi, giải trí của thành phố. Hàng loạt nhà hàng, khách sạn mọc lên dọc trục đường đã quy tụ giới giàu có về tiêu xài, hưởng thụ.

Cũng có những bậc cao niên cho rằng, nếu nhìn từ trên máy bay, thì cách đây hơn một trăm năm, chỉ thấy Sài Gòn về đêm lập lòa ánh điện, nên được người Pháp gọi bằng “Hòn ngọc Viễn Đông”, ám chỉ Sài Gòn là chốn phồn hoa của Pháp đặt tại miền Viễn Đông. Thế nhưng, do chiến tranh tàn phá nên sau đó Sài Gòn trong thời Việt Nam Cộng hòa xuất hiện nhiều ổ ăn chơi, ma túy được bán tràn lan nên mỹ từ “Hòn ngọc Viễn Đông” bị lãng quên. Rồi mỹ từ ấy cũng mất hẳn trong những năm bao cấp khốn khó, trong những dòng người từ các nông thôn đổ vào thành thị và tạo ra những khu ổ chuột nhếch nhác, thiếu thốn điện, nước và điều kiện sinh hoạt tối thiểu.

Sau Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 10, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã thể hiện mong muốn đưa thành phố trở lại vị trí dẫn đầu khu vực. Không những vậy, tân Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng còn thể hiện quyết tâm lấy lại mỹ danh “Hòn ngọc Viễn Đông” nức tiếng một thời mà quốc tế đã nói về Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh. Đồng chí trăn trở: “Không thể xây dựng được thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình nếu đời sống vật chất của người dân chưa được nâng lên. Một cuộc sống, dù no đủ, vẫn không thể có chất lượng cao, khi hàng ngày, hàng giờ nhân dân phải đối mặt với ô nhiễm môi trường, không bảo đảm an sinh xã hội, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nguy cơ tai nạn giao thông rình rập… Đối chiếu với những việc cụ thể mà chúng ta phải làm là nhanh chóng cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật để giải quyết vấn đề ùn tắc, tai nạn, vấn đề ngập nước, mọi người dân đều được cung cấp điện, nước sạch, được chăm sóc y tế, trẻ em được đến trường, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người có công với xã hội có nhà ở. Mọi chính sách phải đảm bảo không một ai bị gạt ra ngoài lề của quá trình phát triển. Chúng ta phải nhanh chóng biến TP Hồ Chí Minh thành những gì mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời từng mong muốn”.

Trong buổi làm việc mới nhất với lãnh đạo thành phố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, TP Hồ Chí Minh phải là “hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông” chứ không dừng lại mức chỉ là “hòn ngọc Viễn Đông”. Muốn được vậy, thành phố phải là địa phương đi đầu, phát triển văn minh, hiện đại, có nền kinh tế mới sáng tạo, có sức lan tỏa cả nước, vùng, khu vực và thế giới. Thành phố còn là trung tâm nguồn lực chất lượng cao nhiều mặt của cả nước; xây dựng cơ cấu kinh tế thông minh, lấy công nghệ cao làm nền tảng phát triển. Chính phủ đồng ý tất cả những đề xuất, kiến nghị của thành phố và sẽ chỉ đạo quyết liệt thực hiện trong thời gian nhanh nhất. Chính phủ không có nhiều tiền, nhưng có cơ chế để tối đa hóa môi trường thuận lợi để thành phố phát triển…”.

Theo Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC), năm 1976, sau khi được chính thức đổi tên từ Sài Gòn thành TP Hồ Chí Minh, cơ sở vật chất kỹ thuật của lưới điện rất nhỏ bé, manh mún và chỉ tập trung chủ yếu xung quanh các khu vực thị trấn và vùng ven đô. Trong đó, riêng địa bàn huyện Củ Chi và Cần Giờ hoàn toàn không có điện lưới. Toàn vùng ngoại thành chỉ có 10% số hộ dân được dùng điện lưới… Nhiều người vẫn còn nhớ rõ, trong 10 năm sau giải phóng (1976-1985), ngành điện đã tăng cường nguồn điện cho ngoại thành bằng việc đưa vào vận hành một số trạm trung gian mới như: Trạm Phú Hòa Đông (10 MVA), Trạm Hóc Môn (40 MVA), Trạm Bình Triệu (40 MVA). Nhờ đó, đến năm 1985, lưới điện đã phát triển ra khắp các huyện ngoại thành với gần 40% số hộ dân nông thôn được dùng điện (nhưng phần lớn vẫn còn sử dụng điện qua điện kế tổng). Năng lực phục vụ của lưới điện đã tăng gấp 3 lần so với thời kỳ trước năm 1975.
Ông Bùi Thanh Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận 5 kể: “Giai đoạn từ 1986-1990 là giai đoạn phủ kín lưới điện nông thôn, bắt đầu với công trình thí điểm điện khí hóa xã Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi). Quận 5 cũng như các quận khác cũng động viên thanh niên về các xã, góp phần làm đường, phát quang nông thôn để ngành điện thi công. Tôi nhớ rõ là dịp đưa được điện lưới quốc gia về cho huyện Cần Giờ, huyện cuối cùng có điện của thành phố vào năm 1990. Lúc này thì quận 5 cũng có một nông trường ở Cần Giờ. Có điện, anh em đỡ khổ nhiều, làm ra nhiều sản phẩm hơn cho nguồn thu của quận”. (Giai đoạn này, thành phố đã có gần 60% số hộ dân nông thôn được dùng điện. PV).

40 năm sau khi vinh dự được sống trong thành phố mang tên Người, chúng tôi về thăm xã nông thôn mới Long Thới (huyện Nhà Bè). Ánh đèn điện chói loà kéo dài từ đường Nguyễn Bình sang Nguyễn Văn Tạo và đi thẳng vào KCN Hiệp Phước. Ngay ngôi chợ nông thôn có cái tên Bà Chòi, từng tốp công nhân dập dìu mua hàng cho bữa cơm tối dưới ánh đèn neon lấp loá. Trẻ em vùng này ban đêm thường tụ tập trước cổng chợ để xem xiếc, ảo thuật hay các phiên “Hàng Việt về nông thôn”.

Trong tiếng bi bô con trẻ, tiếng còi xe và giọng gọi nhau í ới của hàng trăm nữ công nhân, lão nông Nguyễn Văn Hí (Tư Hí) cười: “Nhờ “ông nhà đèn” mà tui nuôi tôm khấm khá. Có điện nên chạy máy oxy, máy xay thức ăn, máy bơm hiệu quả hơn ngày xưa nuôi tự nhiên. 20 năm nay, nhờ vậy thôi mà 5 đứa con tui học hành tử tế, tui cất nhà ngói khang trang nhứt ấp”. Theo EVNHCMC, giai đoạn từ năm 1991-1999 là giai đoạn triển khai điện khí hóa nông thôn diện rộng, với tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng chủ yếu bằng nguồn vốn “Phụ thu tiền điện” và một phần từ vốn vay Ngân hàng Thế giới. EVNHCMC là đơn vị hoàn thành sớm nhất chương trình điện khí hóa nông thôn của cả nước vào năm 1999. Trong giai đoạn này, EVNHCMC đã thực hiện điện khí hóa và hoàn thiện lưới điện cho toàn bộ các huyện, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố. Kết quả quan trọng đạt được trong giai đoạn này là tỷ lệ hộ dân nông thôn dùng điện lưới quốc gia (qua điện kế riêng) đã được nâng lên hơn 98%.

Đồng chí Phạm Quốc Bảo, Trưởng Ban Tuyên giáo EVNHCMC nói, mười lăm năm trở lại đây, nhất là giai đoạn, 2006-2007, EVNHCMC đã có chủ trương rà soát để gắn điện kế cho các hộ dân ở các vùng sâu, vùng xa ngoại thành, qua đó giải quyết được hơn 30 nghìn trường hợp, đến cuối năm 2008 số hộ dân nông thôn có điện kế riêng đã đạt trên 99,5%. Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy TP Hồ Chí Minh, năm năm qua, EVNHCMC đã tích cực tham gia xây dựng mô hình nông thôn mới. Theo đó đơn vị đã sớm hoàn thành tiêu chí số 4 về điện nông thôn cho tất cả các xã trên địa bàn (đạt 100% hộ nông dân được sử dụng điện từ lưới điện quốc gia) với khối lượng lưới điện trên 56 xã thuộc 05 huyện đạt 5.965 trạm biến áp, với tổng dung lượng là 2.144MVA; 2.017 km đường dây trung áp và 3.564 km đường dây hạ áp. Tổng số vốn đầu tư cho lưới điện nông thôn trong giai đoạn này gần 2.000 tỷ đồng. Có thể kể tên một số công trình trọng điểm như: “Hệ thống điện năng lượng mặt trời” cho hơn 180 hộ dân thuộc ấp Thiềng Liềng, là ấp cuối cùng chưa được dùng điện của thành phố, với tổng kinh phí đầu tư trên 14,8 tỷ đồng; “Xây dựng tuyến cáp ngầm 22kV vượt biển cấp điện cho xã Thạnh An – Huyện Cần Giờ” chào mừng kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với tổng mức đầu tư dự án hơn 200 tỉ đồng.

Đồng chí Lê Văn Phước, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy EVNHCMC nói: “Giai đoạn từ năm 2016-2020 là giai đoạn hiện đại hóa lưới điện và nông thôn nâng cao chất lượng điện năng cung ứng với tổng vốn đầu tư lưới điện cho khu vực 5 huyện ngoại thành dự kiến lên đến 2.765 tỷ đồng. Qua đó, EVNHCMC phát triển mạng lưới điện nông thôn không chỉ phục vụ nông nghiệp mà cả các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu nông nghiệp kỹ thuật cao, các khu dân cư đô thị hình thành mới ở nông thôn”.

Và không chỉ làm cho người dân có điện, có đủ điều kiện sinh sống tốt, để tạo mỹ quan, EVNHCMC cũng tiên phong đi đầu ngầm hóa lưới điện và hoàn thành 97 dự án ngầm hóa lưới điện và dây thông tin tại 6 khu vực và 74 tuyến đường với tổng khối lượng đã thực hiện là 320 km lưới điện trung thế, 530 km lưới điện hạ thế; đạt 80% khối lượng lưới điện trung thế, và 106% khối lượng lưới điện hạ thế cần ngầm hóa giai đoạn năm 2011-2015 theo đề án ngầm hóa lưới điện được Ủy ban nhân dân thành phố thông qua. Hiện EVNHCMC đang tiếp tục thực hiện 34 dự án (170 km lưới trung thế, 280 km lưới hạ thế), dự kiến sẽ hoàn thành các dự án này trong năm 2016.

Với cơ chế phân cấp phân quyền mà TP Hồ Chí Minh trình và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc, hy vọng danh xưng “Hòn ngọc Viễn Đông” sẽ sớm trở lại với hình ảnh một thành phố sáng ngời ánh điện, là trung tâm văn hóa, kinh tế, khoa học và điểm hẹn hấp dẫn của khu vực. Không những thế, “Hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông” như mong muốn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trở thành hiện thực khi TP Hồ Chí Minh luôn có dòng điện tỏa sáng khắp chốn nông thôn lẫn thành thị.

Theo SGGP