Hà Lan trao Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long cho Việt Nam

Ngày 16/12, tại Phiên họp lần thứ 3 của Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam – Hà Lan diễn ra tại Hà Nội, bà Schultz Van Haegen – Bộ trưởng Bộ cơ sở hạ tầng và Môi trường Hà Lan đã trao Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long cho đại diện Chính phủ Việt Nam là Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh.

 Bà Schultz Van Haegen, Bộ trưởng Bộ cơ sở hạ tầng và Môi trường
Hà Lan trao Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long cho Phó Thủ tướng
Vũ Văn Ninh. Ảnh: BL.

Đây là bản kế hoạch đưa ra tầm nhìn dài hạn và các gợi ý cho việc phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long bền vững và trù phú, dựa trên những lợi thế tự nhiên của vùng và các khuyến nghị liên quan đến quản lý tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là kết quả hợp tác chặt chẽ giữa hai Chính phủ Việt Nam và Hà Lan trong hơn 3 năm qua, dựa trên khuôn mẫu của “Kế hoạch Đồng bằng Rhine Meuse Scheld” ở Hà Lan.

Hà Lan là đất nước từng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, và đã có hơn 100 năm kinh nghiệm ứng phó với thách thức này. Do đó, những chia sẻ của Hà Lan trong bản Kế hoạch ĐBSCL sẽ có ý nghĩa thiết thực với việc phó biến đổi khí hậu, phát triển sản xuất của vùng ĐBSCL ở nước ta.

Bản kế hoạch đưa ra những gợi ý về phát triển sản xuất nông nghiệp dựa trên lợi thế tự nhiên của ĐBSCL cùng các khuyến nghị liên quan đến quản lý tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bày tỏ đồng tình với những kiến nghị từ phía Hà Lan đối với sự phát triển vùng ĐBSCL, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành có kế hoạch hoạt động cụ thể, lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong 5 năm, 10 năm và hàng năm, đồng thời phối hợp liên ngành và các địa phương trong vùng để thực hiện.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam sẽ phát huy tối đa nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn đầu tư từ các quốc gia, tổ chức phi Chính phủ để thực hiện các dự án ưu tiên trong phát triển Đồng bằng sông Cửu Long.

Có mặt tại hội nghị, các nhà tài trợ, các tổ chức như: Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản…đều cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển kinh tế bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long./.

Nguồn ĐCSVN