“Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” qua ảnh (phần 1)
Vậy nhưng, ngay từ năm 1962, Bác Hồ đã gợi ý cho Tư lệnh Phòng không Phùng Thế Tài nghiên cứu B-52 của Mỹ. Sau khi Mỹ dùng B-52 ném bom rải thảm khu vực Bến Cát (Tây Bắc Sài Gòn), trong lần đến thăm Đoàn pháo cao xạ Tam Đảo (19-7-1965), Bác Hồ đã khẳng định: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B-57, B-52, hay “Bê” gì đi chăng nữa thì ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”.
Năm 1966, khi B-52 đánh ra Đèo Mụ Giạ (Quảng Bình), rồi mở rộng đến Vĩnh Linh (Quảng Trị), Bác Hồ đã chỉ thị cho Quân chủng PK-KQ: “B-52 đã ném bom miền Bắc, phải tìm cách đánh cho được B-52. Trách nhiệm này giao cho các chú Phòng không-Không quân”.
Tiếp đó, đầu Xuân 1968, Bác đã nói lời tiên tri; “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ và chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Thực hiện lời căn dặn của Bác, ngay từ giữa năm 1966, Quân chủng PK-KQ đã tổ chức đưa các lực lượng vào Quân khu 4 tập đánh B-52, làm cơ sở để xây dựng “phương án đánh B-52” và tài liệu dạy “cách đánh B-52”, tiêu biểu là cuốn “Cẩm nang bìa đỏ”.
Với sự chuẩn bị chủ động, chu đáo, quân và dân miền Bắc, nòng cốt là quân, dân Hà Nội đã điềm tĩnh, sẵn sàng cho cuộc đối đầu lịch sử với không quân nhà nghề Mỹ trên bầu trời miền Bắc và bầu trời Thủ đô.
Trên cơ sở ảnh tư liệu sưu tầm từ các nguồn tin cậy, Báo QĐND online giới thiệu cùng bạn đọc những khoảnh khắc đáng nhớ của Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.
Máy bay B-52 có thể bay trong điều kiện thời tiết phức tạp, ném bom ở độ cao trên dưới 10km. Vận tốc lớn nhất là 1.050 km/h, độ cao tối đa 16,7km, tầm bay xa nhất 18.000km, bán kính hoạt động 4.000km. B-52 có thể mang 18.000 đến 30.000kg, có súng 12,7ly 4 nòng, có thể mang 20 tên lửa Sram. Với những tính năng đó, B-52 được coi là “niềm kiêu hãnh của không lực Hoa Kỳ”. |
Là lực lượng trinh sát, quản lý vùng trời, ra-đa chính là “mắt thần” của Bộ đội PK-KQ. Lực lượng Bộ đội ra-đa đã bước vào Chiến dịch 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972 với tinh thần cảnh giác cao độ nhất |
Ngay từ tháng 5-1966, Bộ đội Tên lửa đã được điều vào tuyến lửa Vinh Linh để nghiên cứu cách đánh B-52, thực hiện lời Bác dạy: “Muốn bắt cọp thì phải vào tận hang” |
Ngày 17-9-1967, sau một thời gian dài nghiên cứu, Bộ đội Tên lửa đã bắn rơi B-52 của Mỹ ở Vĩnh Linh |
Sát cánh cùng Bộ đội ra-đa, tên lửa, lực lượng pháo cao xạ cũng được củng cố, với quyết tâm tạo nên lưới lửa dày đặc, thiêu cháy giặc trời |
Chuẩn bị đánh B-52, các phi công của ta cũng cơ động vào Quân khu 4, tập đánh B-52. Trong thời gian này, phi công Vũ Đình Rạng đã bắn trúng một B-52, khiến nó phải bay về hạ cánh tại căn cứ và hỏng hoàn toàn. Bước vào Chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12-1972, lực lượng phi công đánh đêm vẫn được bảo đảm đủ số lượng, sẵn sàng xuất kích. Trong ảnh: Giao nhiệm vụ cho phi công tại Trung đoàn 921, Sư đoàn 371, Quân chủng PK-KQ, tháng 12-1972 |
Qua những lần tập đánh B-52 ở Quân khu 4, cuốn “Cẩm nang bìa đỏ” đã được ra đời. Đây được coi là “bảo bối” đánh B-52 của Bộ đội Tên lửa. |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe Quân chủng PK-KQ báo cáo thông qua kế hoạch đánh B-52 |
Nhằm tránh tổn thất, khoảng 55 vạn dân nội thành Hà Nội đã được sơ tán về các địa phương |
Cùng với đào hầm trú ẩn tại từng gia đình, từng cơ quan, xí nghiệp, quân và dân Hà Nội còn đào các hố trú ẩn trên các con đường để tránh bom, đạn Mỹ |
Tham gia Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, chúng ta hình thành các cụm: Phòng không Hà Nội, Phòng không Hải Phòng, Phòng không đường 1 Bắc, Phòng không đường 1 Nam; lực lượng Không quân; các đơn vị ra-đa và các đơn vị phục vụ chiến đấu. Trong ảnh: Hoạt động tại một bãi lắp ráp đạn tên lửa |
Với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, quân, dân miền Bắc chủ động, sẵn sàng “nghênh tiếp” siêu pháo đài bay B-52 Mỹ… |
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.