Hàng ngàn xe nông sản, trái cây quay lại thị trường nội địa
Từ hơn 5.000 xe hàng hóa, trái cây ách tắc kỷ lục kéo dài tại các cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn, đến sáng 31-12, lượng xe tồn đọng ở đây chỉ còn gần 3.000 xe. Số còn lại, phần lớn đã quay lại thị trường nội địa.
Tại diễn đàn kết nối, hỗ trợ nông sản xuất khẩu bị ách tắc ở cửa khẩu có thể quay về tiêu thụ tại thị trường nội địa, do Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT tổ chức sáng 31-12, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lạng Sơn, báo cáo: “Số lượng xe trái cây, nông sản ùn tắc tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn đã giảm đáng kể so với cách đây vài ngày”.
Theo bà Thu, tính đến hôm qua 30-12, lượng xe còn tồn ở các cửa khẩu thuộc Lạng Sơn như Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, Đồng Đăng… chỉ còn 2.971 xe, trong đó 1.976 xe trái cây chở bằng container lạnh, giảm 559 xe so với ngày 29-12.
Nếu so với thời điểm ngày 26-12 khi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương để tháo gỡ khó khăn cho nông sản xuất khẩu bị ách tắc với tổng lượng xe tồn là hơn 5.000 xe thì đến nay, lượng xe tồn đã giảm hơn 2.000 xe.
Theo bà Nguyễn Thị Thu, lý do lượng xe giảm đáng kể ở cửa khẩu chủ yếu là do các lái xe, chủ xe đã đưa xe trở lại thị trường nội địa để tiêu thụ, không thể tiếp tục chờ đợi thêm nữa.
Lượng xe nông sản được thông quan sang thị trường Trung Quốc vẫn rất chậm và khó khăn. Trong ngày 30-12, tổng lượng xe được thông quan qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn chỉ đạt 81 xe, trong đó qua cửa khẩu Hữu Nghị là 56 xe, qua cửa khẩu Chi Ma là 25 xe, còn tại cửa khẩu Tân Thanh đã tạm đóng cửa từ hơn 1 tuần nay. “Trong số xe được thông quan, chủ yếu là nông sản thô, còn trái cây rất ít”, bà Thu nói.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lạng Sơn cũng thông tin, cơ quan chức năng của phía Trung Quốc cũng đã thông báo tạm dừng nhập khẩu thanh long kể từ 0 giờ ngày 29-12 đến 26-1. Đồng thời, cơ quan chức năng của Trung Quốc cũng thông báo tạm dừng làm các thủ tục thông quan hàng hóa nông sản trước và sau Tết Nguyên đán 14 ngày.
Vì vậy, với mặt hàng thanh long, tình hình xuất khẩu từ nay tới Tết Nguyên đán là rất khó khăn. Nắm được thông tin này, hầu như hiện nay, các xe chở không còn tiếp tục đưa lên cửa khẩu nữa.
Sáng 31-12, Văn phòng Bộ NN-PTNT thông tin, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã có công văn số 9056 gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để báo cáo tình hình ách tắc nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Công văn do Thứ trưởng Trần Thanh Nam ký cho biết, tình trạng ùn tắc chỉ xảy ra thời gian gần đây khi Trung Quốc nhất quán thực hiện chính sách siết chặt kiểm soát dịch Covid-19.
Trước đó, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam – Trung Quốc trong 11 tháng năm 2021 đạt hơn 11,3 tỷ USD (tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, xuất khẩu đạt 8,47 tỷ USD (tăng 14,5%), nhập khẩu đạt 2,85 tỷ USD (tăng 37,4%).
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch của 9/11 nhóm mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc 11 tháng tăng so với cùng kỳ năm 2020 bao gồm: rau quả đạt 1,75 tỷ USD (tăng 3,6%); gạo đạt 494,7 triệu USD (tăng 14,6%); hạt điều đạt 563,1 triệu USD (tăng 24,8%); cà phê đạt 113,7 triệu USD (tăng 40,7%); chè đạt 13,7 triệu USD (tăng 28,1%); cao su đạt 1,96 tỷ USD (tăng 26,3%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,36 tỷ USD (tăng 26,6%); sắn và sản phẩm sắn đạt 994 triệu USD (tăng 25,5%); thức ăn gia súc đạt 330,7 triệu USD (tăng 75,6%).
Hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2020 là thủy sản đạt 862,8 triệu USD (giảm 21,6%); sản phẩm mây tre, cói, thảm đạt 7,8 triệu USD (giảm 23,1%).
Để giải quyết khó khăn hiện nay, Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các chính sách ưu đãi đặc thù, ưu tiên ngân sách nhà nước cho công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các địa phương cửa khẩu (khử khuẩn, test, tiêm vaccine), hỗ trợ địa phương đầu tư hạ tầng cửa khẩu, kho bãi, trung tâm trung chuyển, logistics, bảo quản nông sản tại các cửa khẩu.
“Chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, khảo sát, thiết lập vùng đệm đối với hàng hóa trao đổi với Trung Quốc để quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch Covid-19 tại khu vực vùng đệm nhằm phát hiện sớm và cách ly người, hàng hóa mắc Covid-19 ngay tại đầu vùng đệm, không để phát hiện ở điểm giáp biên giới dẫn đến đóng biên tức thời”, công văn nêu đề xuất.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.