“Hành động của Trung Quốc phá vỡ hệ sinh thái ở Biển Đông”

       Các chuyên gia bảo tồn Philippines khẳng định hành động khai thác san hô của Trung Quốc xung quanh quanh đảo Pagasa (Thị Tứ) phá vỡ nghiêm trọng hệ sinh thái quanh Tam giác San hô.

Các công nhân tại thành phố tự trị Kalayaan của Philippines trên đảo Pagasa (Thị Tứ) hôm 27-7 cho biết các ngư dân Trung Quốc vẫn tiếp tục thu hoạch san hô từ khu vực cách đảo 3km.

“Chúng tôi đếm được ít nhất 5 thuyền lớn ở phía đông đảo. Ít nhất 2 thuyền vừa mới tới”, Inquirer dẫn tin nhắn của Ronnie Cojambo – một công nhân của thành phố cho biết.

Khoảng 60 công dân Philippines và hơn 20 nhân viên thuộc quân đội, cảnh sát và
lực lượng bảo vệ bờ biển nước này đang ở trên đảo Thị Tứ, nơi Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền.


Thị trưởng thành phố tự trị Kalayaan của Philippines Eugenio Bito-onon - người có thẩm quyền đối với một số hòn đảo và bãi cỏ rong trên quần đảo Trường Sa đang tranh chấp trên Biển Đông, cho biết các nhân viên trên đảo muốn tới ngăn phía Trung Quốc nhưng ông đã ngăn họ lại, vì việc này sẽ có Bộ Ngoại giao lo liệu.

Trả lời hãng tin Kyodo qua điện thoại, Thị trưởng Eugenio nói: “Chúng tôi có thể bỏ qua nếu họ chỉ đánh bắt cá. Nhưng chúng tôi thấy họ đang chở san hô trên các tàu của mình. Đương nhiên điều này phải được cảnh báo vì nó đang đe dọa tới an ninh lương thực và đời sống của người dân”.

Các chuyên gia bảo tồn hàng hải hôm 27-7 khẳng định hành động khai thác san hô của Trung Quốc xung quanh quanh đảo Pagasa (Thị Tứ) phá vỡ nghiêm trọng hệ sinh thái quanh Tam giác San hô.

Romeo Trono, cựu lãnh đạo Sở Bảo tồn Quốc tế Philippines và chương trình bảo tồn rùa của chính phủ đã các quốc gia tham gia hiệp định quốc tế về bảo vệ Tam giác San hô hãy cùng yêu cầu Trung Quốc ngừng ngay các hành động đánh bắt san hô tại Biển Đông.
 
Rex Robles, một sĩ quan hải quân về hưu khẳng định chính phủ nên đề nghị Liên Hiệp Quốc phái không chỉ lực lượng gìn giữ hòa bình mà cả lực lượng cảnh sát biển tới ngăn chặn sự phá hủy của Trung Quốc đối với môi trường ở Biển Đông.