Hành trình của Việt Nam tới Hiệp định FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu
Việt Nam sẽ là quốc gia phi thành viên đầu tiên ký Hiệp định này với Liên minh.
Ngày mai (29/5), tại một khu nghỉ mát gần thủ đô Astana của nước Cộng hòa Kazakhstan, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á – Âu sẽ ký Hiệp định Thương mại Tự do, Hiệp định đầu tiên mà Liên minh này ký với một quốc gia ngoài thành viên.
Đoàn Đàm phán Việt Nam tại vòng đàm phán thứ 6
|
Với một tiến trình đàm phán nhanh kỷ lục, có cơ sở của mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam với các quốc gia thành viên thuộc Liên Xô trước đây, Hiệp định này hứa hẹn mở ra triển vọng mới cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngày 15/12/2014, tại hòn đảo xinh đẹp Phú Quốc của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Thương mại Ủy ban Kinh tế Á – Âu Andrei Slepnhev đã cùng đặt bút ký Tuyên bố chung kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh Hải quan Nga –Belarus – Kazakhstan. Hai tuần sau đó Liên minh này đã chính thức trở thành Liên minh Kinh tế Á – Âu và không phải chỉ là 3 nước thành viên ban đầu mà đã có 5 nước với sự gia nhập của Armenia (ngày 1/1/2015) và Kyrgyzstan (ngày 8/1/2015).
Để đi đến được những ngày cuối cùng có kết quả ấy, các đoàn đàm phán của hai bên đã hết sức nỗ lực, tiến hành các vòng đàm phán chung rất tích cực và cả những phiên họp giữa kỳ, rồi những cuộc tham vấn nội bộ để những điều khoản, những quy định đáp ứng một cách tốt nhất mục tiêu và lợi ích căn bản của mỗi thành viên.
Vòng đàm phán thứ 5 tại Almaty (Kazakhstan)
|
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga –Belarus – Kazakhstan chính thức khởi động tại Hà Nội cuối tháng 3/2013. Nhưng một bước rất quan trọng đã diễn ra từ trước đó 2 năm, đó là giai đoạn chúng ta bắt đầu tiến hành nghiên cứu khả thi về Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) này: Đầu tiên là với Liên bang Nga và sau đó là Liên minh Hải quan, rồi sau này thành Liên minh Kinh tế Á – Âu (LMKTAAu). Chính phần nghiên cứu khả thi ấy đã đóng góp quan trọng cho việc đàm phán Hiệp định rất nhanh.
Trong khuôn khổ đàm phán cấp kỹ thuật, 10 nhóm đàm phán đã liên tục tiến hành đàm phán cả trao đổi trực tiếp, song phương… nhiều vấn đề về hải quan; thương mại hàng hoá; phòng vệ thương mại; thương mại dịch vụ và đầu tư; mua sắm chính phủ; công nghệ điện tử trong thương mại; quy tắc xuất xứ; các biện pháp vệ sinh, an toàn động thực vât; pháp lý thể chế và giải quyết tranh chấp v.v…
Đoàn đàm phán VN tại vòng đàm phán thứ 5 |
Các trưởng đoàn đàm phán cấp kỹ thuật đã trực tiếp có mặt tham dự suốt các vòng đàm phán chính thức. Hai Trưởng đoàn đàm phán là ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và ông Andrei Slepnhev, Bộ trưởng Thương mại Ủy ban Kinh tế Á-Âu, Trưởng đoàn đàm phán phía Liên minh Hải quan cũng rất sát sao, có những chỉ đạo kịp thời qua từng vòng đàm phán…
Tất cả những nỗ lực đó đã mang lại kết quả khả quan. Sau 8 phiên đàm phán, trong vòng 2 năm, một thời gian ngắn kỷ lục, Hiệp định đã cơ bản được thống nhất nội dung với phạm vi toàn diện, mức độ cam kết cao và đặc biệt đảm bảo cân bằng lợi ích của cả hai bên, có tính đến điều kiện cụ thể của từng bên.
Hai Trưởng đoàn đàm phán ký kết biên bản tại vòng đàm phán thứ 5 |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi chứng kiến lễ ký biên bản kết thúc đàm phán tại Phú Quốc cũng đã đánh giá cao điều này. Còn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thì khẳng định rằng, với thuế suất ưu đãi nhất cho toàn bộ các sản phẩm thủy sản, công nghiệp giày dép, phần lớn các sản phẩm thuộc lĩnh vực dệt may và một số sản phẩm công nghiệp chế biến như đồ gỗ, cà phê, chè… của Việt Nam, nếu chúng ta có khả năng xuất khẩu, đáp ứng được yêu cầu chất lượng thì chắc chắn đó là cơ hội rất tốt để thúc đẩy xuất khẩu của Việt nam một cách đáng kể vào thị trường trên 170 triệu dân có thu nhập bình quân ở mức khá cao này.
Ông Andrei Slepnhev, Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh cũng khẳng định rằng, đây là Hiệp định thế hệ mới, đáp ứng tất cả các tiêu chí, điều kiện và quy định của thế giới hiện nay. Theo dự tính, sau khi Hiệp định được ký kết, kim ngạch thương mại giữa hai bên sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020. Cơ hội sẽ không chỉ là đến với các doanh nghiệp Việt Nam mà còn đến với cả Liên minh Kinh tế Á – Âu bởi các bạn cũng đánh giá Việt Nam có một vai trò rất tích cực trong ASEAN và Việt Nam sẽ là một cửa ngõ để Liên minh vào ASEAN và khu vực châu Á – Thái Bình Dương…. khi Việt Nam cũng mở cửa thị trường có lộ trình đối với các sản phẩm thuộc các lĩnh vực ưu tiên của các nước thành viên Liên minh.
Trưởng đoàn đàm phán cấp Kỹ thuật Đặng Hoàng Hải nói về ý nghĩa của Hiệp định |
Ngay trước ngày diễn ra lễ ký kết chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu, ông Đặng Hoàng Hải, Trưởng đoàn đàm phán cấp kỹ thuật bày tỏ rất hài lòng với kết quả này.
Ông Hải nhận định về ý nghĩa của Hiệp định: “Tôi nghĩ rằng, về tổng thể là rất có ý nghĩa. Đối với chúng ta, thị trường của Liên minh này khá tiềm năng. Liên minh hiện nay có 5 nước với số dân là trên 170 triệu và GDP theo sức mua là khoảng 4.000 tỷ USD… thì con số này đã nói lên đây là một thị trường rất hứa hẹn cho Việt Nam. Lợi thế bao chùm lên tất cả là chúng ta là người đầu tiên ký FTA với Liên minh Kinh tế Á Âu, được hưởng lợi thế cắt giảm thuế quan đầu tiên đối với một đất nước. Đồng thời, trong Hiệp định này chúng ta đã đạt được những tiến bộ trong những quy định về “hàng rào kỹ thuật”; rồi kiểm tra, kiểm định chất lượng.
Hai trưởng đoàn Đàm phán ký biên bản vòng đàm phán thứ 6 |
Về phần mình, ông Andray Totrin, Trưởng đoàn đàm phán cấp kỹ thuật Liên minh Kinh tế Á – Âuì đánh giá ý nghĩa của Hiệp định: “Một lẽ tự nhiên là các doanh nghiệp của các nước tham gia Hiệp định sẽ có lợi rất nhiều khi họ có thể trực tiếp trao đổi hàng hoá với những công cụ bổ sung mà người bán và người mua rất mong đợi. Đó chính là sự tác động trực tiếp mà theo tôi, tác động chính yếu nhất này lên người bán và người mua mà tạo nên sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn, tạo nên những điều kiện tốt hơn cho phát triển.”
Như vậy là, sau 8 vòng đàm phán, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á – Âu đã sắp sửa được ký kết bởi người đứng đầu Chính phủ các nước tham gia Hiệp định, mở ra những cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội là không ít thách thức. Vấn đề bây giờ là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nỗ lực thực sự để làm sao đi vào được “hành lang thông thoáng” mà Hiệp định mở ra./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.