Hào khí Nam bộ kháng chiến ở Mỹ Tho – Gò Công

         Mừng nước nhà độc lập chưa được mấy ngày thì đêm 22 rạng sáng ngày 23/9/1945, dựa vào thế lực của quân Anh, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm trụ sở UBND Nam bộ và nhiều cơ quan chính quyền cách mạng ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai.

           Tình thế khẩn cấp, sáng ngày 23/9/1945, Xứ ủy – UBND Nam bộ quyết định thành lập Ủy ban kháng chiến Nam bộ và ra Lời kêu gọi “Toàn dân đoàn kết bảo vệ quốc gia”. Đáp ứng lời kêu gọi, quân và dân Mỹ Tho – Gò Công khẩn trương xây dựng lực lượng Cộng hòa Vệ tinh các cấp. Trên các tuyến giao thông thủy, bộ đều được lập phòng tuyến chiến đấu. Gò Công lập phòng tuyến Cầu Nổi – Rạch Bùn – Pháo Đài – cầu Sơn Qui. Mỹ Tho lập phòng tuyến Rạch Tràm – bắc Chợ Gạo – cầu Hòa Bình – Bình Ninh – vàm Kỳ Hôn – cầu Vĩ (Mỹ Tho); vàm kinh xáng Lacomb (kinh Nguyễn Tấn Thành); chùa Phật Đá – Tân Hương (Châu Thành); Tam Bình – sông Ba Rài (Cai Lậy)…

1

Văn nghệ kỷ niệm ngày Nam bộ kháng chiến – Ảnh minh họa

          Giữa tháng 10/1945, tại mặt trận kinh Chợ Gạo, lực lượng du kích các xã khu vực phía đông, tây bờ kinh phục kích bắt gọn chiếc tàu tuần tiễu của Pháp tại bến bắc Chợ Gạo, bắt sống 13 tù binh gồm lính Pháp, lính Âu – Phi và thu toàn bộ vũ khí giao về UBND tỉnh. Chiếc tàu thu được bị nhận chìm tại vàm rạch Thủ Ngữ, xã Xuân Đông. Ở Gò Công ngày 23/10, Pháp cho 2 tàu chiến đổ bộ quân lên xã Bình Thạnh Đông và khu vực Cầu Nổi, bị lực lượng vũ trang tỉnh và được sự chi viện của Cộng hòa Vệ binh Nam bộ chiến đầu kiên cường, sau 3 ngày đêm đã chiếm được TX. Gò Công, diệt hơn 50 tên. Tin chiến thắng nhanh chóng được truyền đi khắp tỉnh, càng thôi thúc tinh thần chiến đấu của quân và dân hai tỉnh Mỹ Tho – Gò Công.

1

Văn nghệ kỷ niệm ngày Nam bộ kháng chiến – Ảnh minh họa

           Sáng 25/10, địch đổ bộ lên cầu Tàu thị xã Mỹ Tho, thì tối ngày 26 lực lượng vũ trang Gò Công tổ chức từng phân đội nhỏ tập kích vào Nhà thương thị xã Gò Công, nơi địch đang chiếm đóng, diệt và làm bị thương nhiều tên địch, thu 1 súng trung liên và nhiều đạn. Trong 4 ngày – từ ngày 23 đến 26/10, ta bám đánh địch ở Gò Công, diệt gần 100 tên. Tại TX. Mỹ Tho, liên tiếp những ngày sau đó, Ban công tác thành tổ chức nhiều trận đánh chống địch mở rộng vùng chiếm đóng. Tại mặt trận cầu Quây, các chiến sĩ đánh trả rất kiên quyết, địch không sao tiến lên được. Ở Vòng Nhỏ và Vựa cá, ta tổ chức giật súng, ám sát nhiều tên phòng nhì Pháp. Các tuyến giao thông thủy khắp nơi đều có kế hoạch tác chiến chặn tàu địch. Ủy ban Kháng chiến huyện Cai Lậy huy động 7 ghe chài và lấy 1 xà lan, 95 cây gỗ giá tỵ của Nhật bị nhận chìm trên sông Tiền hàn vàm sông Trà Tân, giăng dây cáp trên sông Ba Rài chặn tàu địch đánh vào Cai Lậy.

            Đường bộ, lực lượng vũ trang hỗ trợ, bảo vệ cho quần chúng nổi dậy tham gia phá cầu Tân Hương trên lộ Đông Dương (nay là Quốc lộ 1A), cầu Ông Văn, cầu Thuận Hòa, cầu Gò Cát ở Chợ Gạo; đánh sập cầu sắt và ụ nối cầu Bắc Mỹ Thuận ở Cái Bè; chận đánh 1 ngày đêm với địch tại cầu Bến Lội thuộc xã Tân Niên Đông – Gò Công. Tại cầu Vĩ ở xã Mỹ Phong, 1 tổ dân quân tự vệ phục kích lính Pháp đi ruồng bố, đánh địch bằng tổ o­ng vò vẽ diệt 1 tên, thu 1 súng. Tại Tân Hiệp (Châu Thành), tiểu đội dân quân phối hợp với đội lưu động Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) phục kích chặn đánh 2 xe quân sự địch từ TX. Mỹ Tho chạy về hướng Sài Gòn, diệt 1 xe, bắt sống 3 tên.

              Ngày 7/11/1945, bộ đội Thủ Khoa Huân của tỉnh ra đời, gồm tập hợp các đơn vị vũ trang của các địa phương, chủ yếu là của 3 huyện Châu Thành và được bố trí thành 3 mặt trận: 1- Vàm kinh xáng Lacomb, 2- bến đó Long Hưng, 3- cầu Long Định. Giữa tháng 11/1945, Pháp bắt đầu tập trung lực lượng tấn công mặt trận I, đại đội lính Pháp có lính Nhật mở đường kéo đến đầu cầu Bình Đức, bị Phân đội Cộng hòa Vệ binh nổ súng diệt 10 tên, có 3 lính Nhật. Tại mặt trận II, 2 tiểu đội bộ đội phục kích gần chợ Thạnh Phú, diệt nhiều tên địch.

               …Sau khi chiếm được TX. Mỹ Tho và Gò Công, Pháp tiếp tục sử dụng bộ binh và thủy quân bung ra đánh chiếm hầu hết thành thị và một số vùng nông thôn, tạo ra tình thế hết sức khó khăn cho cách mạng. Song ngày 6/1/1946, nhiều người dân Mỹ Tho – Gò Công vẫn hăng hái tham gia bầu cử Quốc hội, bà Nguyễn Thị Thập, ông Nguyễn Văn Nguyễn, Ngô Tấn Nhơn (Mỹ Tho), ông Nguyễn Văn Côn và ông Nguyễn Công Trung (Gò Công) đã đắc cử.

           Chiến công rực rỡ từ những ngày đầu kháng chiến là nguồn sức mạnh phi thường để quân và dân Mỹ Tho – Gò Công vững vàng, trường kỳ vượt qua mọi khó khăn, thử thách để chiến thắng mọi kẻ thù.