HĐND tỉnh Tiền Giang giám sát đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Cái Bè
(THTG) Ngày 20-5, Đoàn giám sát của Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang do bà Nguyễn Thị Sáng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đến làm việc với UBND huyện Cái Bè về tình hình triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Minh Nguyên
Theo báo cáo của UBND huyện Cái Bè, hiện nay khu vực nông nghiệp trên địa bàn huyện tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định, bình quân khoảng 4,65%/năm và chiếm 46,6% trong tổng cơ cấu kinh tế, đóng góp gần 49% trong tổng giá trị sản xuất. Tổng giá trị ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản năm 2019 của huyện ước đạt trên 9.375/9.182 tỷ đồng; sản lượng lúa gần 278.300 tấn; sản lượng cây màu ước đạt 73.495/70.300 tấn; sản lượng cây ăn trái trên 322.597/311.088 tấn; sản lượng thủy sản trên 42.895/42.880 tấn; đàn bò, đàn gia cầm, đàn dê đạt kế hoạch năm, đàn heo chỉ đạt 110.000/160.000 con. Đến cuối năm 2019, toàn huyện có 13/24 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết đạt được, huyện Cái Bè vẫn còn gặp một số khó khăn, như: Việc quy hoạch cánh đồng lớn, tuy có hiệu quả bước đầu, nhưng chưa thật sự ổn định, do có ít doanh nghiệp tham gia; quy mô về diện tích, đầu tư cơ sở hạ tầng đạt tỷ lệ còn thấp so với mục tiêu; thị trường không ổn định nên giá lúa giảm, ảnh hưởng đến thu nhập người trồng lúa…
Xoài cát Hòa Lộc – Một trong những trái cây đặc sản của tỉnh Tiền Giang được trồng tại Cái Bè
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, nhiệm vụ năm 2020 và những năm tiếp theo, UBND huyện Cái Bè sẽ tiếp tục triển khai các hợp phần của dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững; thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và rau an toàn; triển khai Dự án “Xây dựng chuỗi giá trị xoài cát Hòa Lộc”; xây dựng Đề án phát triển mô hình vườn chuyên canh cây ăn trái đặc sản phục vụ du lịch sinh thái…
UBND huyện Cái Bè đã kiến nghị với đoàn giám sát nhiều nội dung liên quan đến việc hỗ trợ hoàn thiện chuỗi giá trị cho các cây trồng chủ lực, như: lúa, xoài cát Hòa Lộc, bưởi long Cổ Cò… hỗ trợ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm; tăng kinh phí hỗ trợ cho việc hoàn thiện hệ thống đê bao, cống đập, khắc phụ sạt lở và phòng chống hạn mặn…
Bà Nguyễn Thị Sáng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang phát biểu kết luận buổi giám sát. Ảnh: Minh Nguyên
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Sáng cho biết, qua trao đổi với địa phương, đoàn đã làm rõ nhiều vấn đề, đồng thời đề nghị địa phương cần đánh giá cụ thể kết quả của 12 nhóm giải pháp được nêu trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đặc biệt là ý kiến của người dân trực tiếp thực hiện đề án, làm cơ sở để báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh dự kiến tháng tổ chức vào tháng 7-2020.
Minh Nguyên
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.