HĐND TP Hồ Chí Minh tổ chức góp ý dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Ngày 22/3, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Ảnh VGP/Mạnh Hùng

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, trong bối cảnh kinh tế – xã hội mới, Luật Đất đai 2003 đã có nhiều điểm trở nên bất cập, phát sinh rất nhiều vấn đề về khiếu nại, khiếu kiện đều xoay quanh việc thu hồi đất, việc tính giá đất để bồi thường, việc tổ chức cuộc sống cho người dân… điều này đã làm hạn chế đến việc phát huy những nguồn lợi từ đất đai, đòi hỏi phải sửa đổi để luật phù hợp tình hình phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, Dự án sửa đổi Luật Đất đai đã có sự tiếp thu và điều chỉnh khá nhiều để đưa ra lấy ý kiến của nhân dân đợt này.

Dự thảo Luật Đất đai sử đổi gồm 14 chương, 206 điều, tăng 7 chương và 60 điều so với Luật Đất đai hiện hành. Dự thảo có nhiều nội dung mới như về giá đất, về vấn đề thu hồi đất, về tái định cư… trong đó đáng chú ý là quy định rõ quyền và trách nhiệm của nhà nước trong việc quản lý đất đai.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, tại điểm d, khoản 2, điều 12, quy định về quyền của Nhà nước đối với đất đai, dự thảo luật quy định “Nhà nước quyết định thu hồi đất” là chưa ổn, mà dự thảo luật cần phải sửa lại theo hướng “Nhà nước quyết định thu hồi, trưng dụng, trưng mua đất” vì có những lúc cấp bách Nhà nước cần phải trưng dụng và có việc Nhà nước phải trưng mua. Bên cạnh đó cần có cơ chế thực hiện riêng cho việc “thu hồi”, “trưng dụng”, “trưng mua”.

Bên cạnh đó, tại điều 83 và điều 84 quy định về bố trí tái định cư và bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm vấn đề tái định cư không chỉ là việc xây cho người dân một chỗ ở mới mà cần có thêm quy định rõ về tổ chức cuộc sống mới cho người dân, về trách nhiệm phải đảm bảo về đời sống kinh tế, tinh thần cho người dân khi thực hiện tái định cư, đồng thời phải tiến hành điều tra xã hội học trước khi di dời cuộc sống của người dân.

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố thời gian qua rất phức tạp. Đất thuộc sở hữu toàn dân nhưng thực tế, nhiều chỗ, nhiều nơi nhà nước chưa quản lý tốt, còn có nhiều diện tích đất người dân đang sử dụng nhưng nhà nước chưa quản lý được, trong khi dự thảo luật lần này cũng chưa quy định rõ ràng, cụ thể vấn đề này.

Để dự thảo nhận được góp ý của đông đảo người dân thành phố, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu công tác lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi phải được triển khai dân chủ, công khai và theo nhiều hình thức để mọi tầng lớp nhân dân có thể tham gia. Các ý kiến phải được thu thập đầy đủ, chính xác và giải trình nghiêm túc bởi đây là điều kiện quan trọng để phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân đối với chính sách đất đai.