Hệ thống tàu điện lớn nhất Mỹ ngừng hoạt động
Toàn bộ hệ thống tàu điện ngầm của thành phố New York đóng cửa để đối phó với siêu bão Irene, hơn 300,000 người đã di tản khỏi các vùng đất thấp, trong khi những địa điểm nổi tiếng của New York City tắt đèn.
Với quyết định ngừng hoạt động hệ thống tàu điện ngầm vào trưa thứ bảy của chính quyền thành phố, hàng triệu người New York giờ đang đối mặt với vấn đề không biết đi sơ tán đâu và làm thế nào đến được chỗ đó.
Cụ Abe Feinstein, cư dân 82 tuổi, đã sống ở thành phố này từ những năm 1960 trên tầng 8 của một cao ốc trông ra một địa điểm du lịch nổi tiếng, thuộc khu vực phải sơ tán.
“Tôi làm thế nào để ra khỏi đây? Tôi phải làm gì? Chạy với cái gậy chống này ư?”, AP dẫn lời cụ nói.
Những bao cát đề phòng ngập lụt trước cổng vào thị trường chứng khoán New York. Ảnh: AFP |
Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi dân chúng cảnh giác đương đầu với bão, và nói rằng đây là cơn bão lịch sử. Bão Irene được cho là có thể gây ảnh hưởng tới 65 triệu người. Trên toàn nước Mỹ tính tới hôm nay đã có 2 triệu người sơ tán.
Trở lại với New York City, các cây cầu và đường hầm cũng có thể bị đóng một khi bão tiến đến gần, khiến cho tình trạng tắc nghẽn đang xảy ra trong thành phố thêm tồi tệ. Năm sân bay chính quanh khu vực New York dự kiến sẽ đóng cửa đối với các chuyến bay đến, cả nội địa lẫn quốc tế. Ba trong số các sân bay này thuộc loại bận rộn nhất nước Mỹ.
Các quan chức hy vọng rằng cư dân thành phố có nơi cư trú ở nhà họ hoặc bạn bè. Với những người khác, thành phố dành 100 cơ sở lánh nạn có đủ chỗ cho 71.000 người. Thành phố đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì bão lần đầu tiên kể từ năm 1965.
Bão Irene dự kiến sẽ đổ bộ bang Bắc Carolina vào thứ bảy, và đến New York City vào chủ nhật. Nếu bão vẫn tiếp tục cường độ như hiện nay, cửa sổ của các tòa cao ốc sẽ bị đập vỡ tan, cây cối gẫy đổ và những mảnh vỡ sẽ bị cuốn tung lên không. Một số đường phố ở phần phía nam của thành phố có thể bị ngập vài chục cm trong nước. Cảnh sát cho hay họ đã chuẩn bị sẵn các xuồng cứu hộ, nhưng nếu điều kiện quá khắc nghiệt thì cảnh sát cũng khó có thể ra quân.
Thị trưởng New York Michael Bloomberg kêu gọi dân chúng sơ tán tránh bão, và cho biết lực lượng cảnh sát sẽ dùng loa trên các xe tuần tra để nhắc đi nhắc lại yêu cầu sơ tán cũng như phòng tránh bão trong suốt ngày thứ bảy.
Các địa điểm du lịch nổi tiếng như tượng đài nữ thần tự do đã ngừng phục vụ. Tại công trường xây dựng trên nền tòa tháp đôi cũ, công nhân phải hạ cần cẩu, tuy nhiên dự kiến sẽ không có gì ảnh hưởng đến lễ tưởng niệm 10 năm vụ khủng bố. Nhiều sự kiện thể thao cũng như các suất trình diễn ở nhà hát Broadway bị ngừng trong cả thứ bảy và chủ nhật.
Có khoảng 1,6 triệu người sống ở khu Manhattan và 6,8 triệu người ở các khu vực khác trong thành phố.
Trong suốt 200 năm qua, New York mới chỉ hứng chịu vài cơn bão lớn. Tháng 9/1821, một cơn bão làm thủy triều dâng cao 4 mét trong vòng một giờ và gây ngập lụt phần phía nam Manhattan, nơi hiện tọa lạc khu Wall Streets và khu tưởng niệm Trung tâm thương mại thế giới. Năm 1938, một cơn bão hoành hành ở cách thành phố khoảng 100 km khiến 700 người chết và 63.000 người mất nhà cửa.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.