Hiệu quả từ các mô hình sản xuất trồng trọt
Vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chọn báo cáo điển hình về thực hiện tốt phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi và càng tự hào hơn khi cuối tháng 12/2010, chú cùng với 1.500 đại biểu ưu tú trên cả nước tham dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 8 được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Đó là ông Cao Xuân Nguyện, ngụ ấp Năm Châu - xã Bình Đông - TX.Gò Công, hiện là chủ cơ sở nhang Thiền Huệ. Chú đã thành công với nhiều mô hình sản xuất, trồng trọt như mô hình se nhang, trồng thanh long ruột đỏ ngay tại mãnh đất của gia đình.
Ông Nguyện tâm sự: “Lúc đầu gia đình chỉ se nhang bằng thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, gần 10 năm trở lại đây nhờ không ngừng nâng cao kỹ nghệ, tìm tòi nghiên cứu thị trường, tăng nguồn hàng hóa, chủ động nguồn nguyên liệu cơ sở đồng thời trang bị máy móc chuyên dùng, tạo lập thêm các mối quan hệ bạn hàng, nhờ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường cũng như ổn định sản xuất, sản phẩm nhang làm ra đa dạng về hình dạng, kiểu dáng, đáp ứng được phần lớn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động”. Đến nay, cơ sở se nhang của ông Nguyện đã tạo việc làm cho trên 60 lao động, ngoài ra những lúc nông dân xong việc đồng áng, họ đều có thể se nhang được.
Bình quân mỗi ngày cơ sở làm ra 1tấn sản phẩm, mỗi một công nhân thu nhập từ 1,5 triệu - 2,5 triệu đ/tháng. Đa số lao động tại đây có tay nghề từ 7 năm trở lên nên sản phẩm làm ra rất sắc sảo. Chú Trần Văn Đức, công nhân tâm sự: Tôi đã gắn bó với nghề se nhang từ 7 năm qua, mà quan trọng hơn gia đình tôi có 6 người cùng làm nghề.
Bên cạnh những thành công trong sản xuất - kinh doanh, ông Nguyện cùng con trai mình đã thử nghiệm thành công mô hình trồng thanh long ruột đỏ, nằm dọc theo Quốc lộ 50 trên đường ra Bến phà Mỹ Lợi.
Dẫn chúng tôi đến tham quan mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại ấp Năm Châu, ông Nguyễn Minh Việt, chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Đông cho biết: Đây là một xã thuần nông với 80% hộ sống bằng nghề trồng lúa, những năm đến khi thu hoạch, giá lúa không ổn định, năm thì được mùa mất giá, có năm được giá mất mùa. Chính vì vậy, một số hộ nông dân xã mạnh dạn chuyển từ đất lúa sang chuyên canh cây trồng, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có mô hình trồng thanh long ruột đỏ H14 của gia đình hội viên nông dân Cao Xuân Nguyện, mang lại hiệu quả kinh tế cao và là mô hình trồng đầu tiên trên địa bàn TXGC. Nhìn vườn thanh long xanh ngát trải dài trên 1,5 mẫu đất với 1.600 trụ thanh long, gia đình chú đầu tư trên 300 triệu đồng, đến nay đã 3 lần thu hoạch, hiện nay các thương lái từ TP.HCM đến mua với giá từ 45.000đ - 60.000đ/ký.
Với quy trình đơn giản dễ trồng, từ khâu ươm giống đến trồng chỉ đòi hỏi người trồng chuẩn bị cho đất tơi xốp phải chăm sóc chu đáo, khoảng cách mỗi trụ trồng từ 2,8m - 3m, từ ngày trồng đến khi thu hoạch là một năm. Ông Nguyện còn cho biết thêm: vườn thanh long trồng theo hướng VIETGAP nên gia đình chú áp dụng khoa học kỹ thuật mới, phù hợp với thổ nhưỡng nên cây thanh long cho trái lành quả ngọt.
Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng cây ăn trái đã mở ra cho bà con xã Bình Đông nói chung và nông dân nói riêng một hướng đi mới. Đây là mô hình dễ trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp cho nông dân phát triển kinh tế gia đình, tạo nhiều công ăn việc làm cho hội viên nông dân, làm giàu chính đáng ngay trên tại mảnh đất của mình. Thành công của mô hình se nhang và trồng thanh long ruột đỏ của gia đình ông Cao Xuân Nguyện đã mở ra hướng đi mới cho nông dân.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.