Hiệu quả từ mô hình trồng cây sirô ở Gò Công Đông

(THTG) Đến ấp Giồng Lãnh 1, xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông hỏi nhà ông 9 Vũ, ai cũng biết, bởi ngôi nhà được bao bọc bởi hàng rào trồng bằng cây sirô trái chín đỏ rực, đã thu hút nhiều du khách đến tham quan, chụp ảnh. 

Theo ông Vũ, vào năm 2013, một lần ghé thăm người chú ở núi Bà Trao, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, thấy loài cây mọc hoang dã có trái rất đẹp nên bứng 02 gốc về trồng trước cổng nhà làm cây cảnh. Ông Vũ cho biết, cây sirô phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất nơi đây nên rất dễ trồng, ít sâu bệnh và ruồi đục trái nên không dùng đến phân bón hay phun xịt thuốc, chỉ cần bổ sung một ít phân hữu cơ, tưới nước đều đặn là cây phát triển tốt.

Khi ông đem về trồng, sau 2 năm thì cây cho trái. Cây trổ bông vào khoảng tháng Giêng, đến tháng 6 âm lịch thì cho trái rộ. Từ đợt cây cho trái đầu tiên ông hái được khoảng 50 kg, do trái có vị chua như chanh, mùi thơm, màu đỏ rất đẹp mắt nên gia đình ông hái trái chín nấu nước sirô và được nhiều người thưởng thức, hương vị thơm ngon nên cảm thấy thích thú.

Ông Vũ bên vườn sirô.

Ngoài nước sirô, đến nay ông Vũ đã nghiên cứu chế biến trái làm mứt, kiệu, rượu, nước rum…. bán cho các đại lý trong và ngoài tỉnh và khách du lịch mang về làm quà. Trong đó, có sản phẩm mức sirô của gia đình ông Vũ được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Từ hai gốc sirô ban đầu được trồng làm kiểng trước cổng nhà, đến nay ông Vũ đã mở rộng trồng thêm diện tích trên 2.000m2. Ngoài ra, ông còn tận dụng các khoảng đất trống xung quanh nhà chiết hàng chục gốc cây trưởng thành đưa vào chậu làm cây bonsai, bán cho khách có nhu cầu với giá khoảng 5 triệu đồng 01 cặp, đối với những cây có hình dáng đẹp được khách trả đến cả chục triệu đồng. Ngoài ra, ông còn ươn hàng trăm cây con tùy theo kích cỡ bán với giá từ 50 đến 150 nghìn đồng. Nhiều người chơi cây cảnh xem qua mạng xã hội thấy cây đẹp nên liên hệ hỏi mua.

Các sản phẩm từ cây sirô.

Thấy cây sirô mang lại giá trị kinh tế, nhiều người cũng trồng loại cây này và ông thu mua trái với giá 10.000đ/kg. Ngoài ra, hàng ngày vườn sirô của ông có khoảng chục lao động hái trái, chẻ trái làm các sảm phẩm cung cấp cho thị trường. Với cách làm hiệu quả, thiết thực, cơ sơ sản xuất sirô 9 Vũ đã góp phần giải quyết nhiều lao động tại địa phương.

                           Quốc Toàn