Hình ảnh ông Lý Quang Diệu trong dòng chảy văn hóa Singapore
Năm 2010, Triển lãm Nghệ thuật Valentine Willie đã từng mời 19 nghệ sĩ Singapore cùng thử vẽ nên tương lai đất nước Singapore khi không còn ông Lý. Tại đây, một họa sĩ đã thực hiện bộ tranh khiến người Singapore xúc động – bộ tranh “Cha ơi, có nghe tiếng con?”…
Bức chân dung nổi tiếng nhất khắc họa ông Lý Quang Diệu được thực hiện bởi danh họa người Singapore – Lại Quế Phương. Bức tranh khắc họa ông Lý trong buổi lễ nhậm chức hồi năm 1959, và trở thành Thủ tướng đầu tiên của Singapore.
Về sau, loạt tranh sơn dầu mang nhiều ý nghĩa lịch sử do họa sĩ Lại Quế Phương thực hiện về ông Lý đã được đem trưng bày trong Viện bảo tàng Quốc gia Singapore.
Năm 2005, họa sĩ Lawrence Koh thực hiện cuốn truyện tranh được xếp vào hàng “best-seller” ở Singapore, kể lại câu chuyện tuổi thơ của ông Lý. Cuốn truyện có tên “Lớn lên với Lý Quang Diệu”. Cuốn sách vừa được tái bản hồi năm 2014.
Thực tế, ông Lý Quang Diệu là một nhân vật rất quen thuộc đối với giới nghệ sĩ Singapore, ông khơi gợi ở họ nhiều ý tưởng, vì cuộc đời và những đóng góp của mình cho đất nước. Những tác phẩm nghệ thuật đương đại được thực hiện bởi các nghệ sĩ trẻ ở đây về ông Lý Quang Diệu có thể nói là “không đếm xuể”.
Trong số này, đáng kể có tác phẩm sắp đặt của nghệ sĩ Jason Wee, thực hiện năm 2006, đó là bức “chân dung” có tên “Ông Lý không còn phải khóc”. Bức “chân dung” được thực hiện từ việc ghép 8.000 chiếc nắp nhựa của những chai dầu gội.
Tên của tác phẩm gợi nhớ lại khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời ông Lý hồi năm 1965, khi ông không nén nổi xúc động khi xuất hiện trên truyền hình trong giây phút chính thức tuyên bố Singapore trở thành một quốc gia độc lập.
Tác phẩm của Jason Wee từng nhận được giải khán giả bình chọn tại Triển lãm Nghệ thuật Singapore. Sau đó, tác phẩm này đã được mang đi trưng bày ở New York.
Tranh của Mai Huy Dũng
Còn rất nhiều những họa sĩ khác đã từng đưa ông Lý vào trong tranh của mình. Như họa sĩ Ben Puah từng mở triển lãm có tên “Anh hùng” hồi năm 2008 với những bức chân dung khắc họa ông Lý. Năm 2009, họa sĩ Richard Lim Han mở triển lãm “Thiên thần chỉ hướng của Singapore” cũng với chủ đề chân dung ông Lý Quang Diệu…
Năm 2010, Triển lãm Nghệ thuật Valentine Willie đã mời 19 nghệ sĩ Singapore cùng thử vẽ nên tương lai đất nước Singapore khi không còn ông Lý.
Tại cuộc triển lãm gây xúc động đối với người dân Singapore, ông Lý đã được khắc họa trong các tác phẩm nghệ thuật như một người cha đáng kính, trong đó tác phẩm của họa sĩ Jimmy Ong được nhắc tới nhiều nhất, với bộ ba tranh chân dung màu nước khắc họa ông Lý qua các thời kỳ. Phía dưới góc tranh là hình ảnh những con người bé nhỏ đang quỳ lạy với lời đề tựa “Cha ơi, có nghe tiếng con?”…
Rất nhiều những triển lãm nghệ thuật tương tự đã được mở ra ở Singapore, tại đó, ông Lý đã vượt ra ngoài hình tượng của một vị chính trị gia kiệt xuất, ông đã trở thành người cha của người dân Singapore, người kiến trúc sư vĩ đại kiến tạo nên đất nước Singapore. Trong văn hóa – nghệ thuật Singapore, ông Lý được coi như một “nhân vật lịch sử đương đại nhưng mang bóng dáng thần thoại”.
Một số họa sĩ người Châu Á, như Kim Dong Yoo (Hàn Quốc), Ren Zhenyu (Trung Quốc), Mai Huy Dũng (Việt Nam), Huifong Ng (Brunei), Oleg Lazarenko (Ukraina)… cũng đã thực hiện nhiều tranh chân dung về ông Lý.
Tháng 2/2014, truyền thông Singapore đưa tin rằng hai vở nhạc kịch làm về cuộc đời và sự nghiệp của ông Lý đang được xúc tiến. Cả hai vở nhạc kịch này được dự kiến ra mắt khán giả trong năm 2015 này, nhân dịp Singapore kỷ niệm 50 ngày trở thành một quốc gia độc lập.
Tháng 5/2014, họa sĩ Patrick Yee cho ra mắt bộ truyện tranh dành cho thiếu nhi có tên “Cậu bé Harry: Tuổi thơ của Lý Quang Diệu” (Harry là tên thân mật của ông Lý).
Tại Liên hoan Văn học Singapore 2014, một cuộc hội thảo có tên “Một góc nhìn khác về Người” cũng đã được mở ra, mời các nhà văn Singapore cùng bàn luận về những ý văn có thể khai thác về cuộc đời ông Lý.
Tháng 10/2014, nam diễn viên kỳ cựu của Singapore – ông Lim Kay Tong – chính thức vào vai ông Lý Quang Diệu trong bộ phim “1965” sắp ra mắt nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Singapore trở thành một quốc gia độc lập (1965-2015).
Bộ phim đã được thực hiện trong hơn 5 năm. Đây là một bộ phim tiểu sử làm về cuộc đời ông Lý, qua đó phản ánh những biến động của đất nước Singapore qua nhiều thời kỳ.
Viện bảo tàng tượng sáp Madame Tussauds của Singapore trong năm qua cũng đã cho ra mắt hai bức tượng sáp khắc họa ông Lý và vợ – cố phu nhân Kha Ngọc Chi, họa theo một bức ảnh kỷ niệm của hai ông bà, chụp trong ngày Lễ Tình yêu năm 2008.
Năm 1999, ông Lý Quang Diệu lần đầu tiên cho xuất bản cuốn hồi ký hai tập: tập 1 – “The Singapore Story” (Câu chuyện Singapore) đưa ra những quan điểm của ông về lịch sử đất nước Singapore cho tới giai đoạn tách rời khỏi Malaysia hồi năm 1965; tập 2 – “From Third World to First” (Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất) nói về quá trình “thay da đổi thịt” của đất nước Singapore.
Đến năm 2013, ông cho ra mắt hai cuốn sách cuối cùng: cuốn “The Wit and Wisdom of Lee Kuan Yew” (Sự hài hước và trí tuệ của Lý Quang Diệu) tổng hợp gần 600 câu nói tóm tắt lại những quan điểm của ông về đất nước Singapore và thế giới; cuốn “One Man’s View of the World” (Cách nhìn của tôi về thế giới) đưa ra những đánh giá về thế giới đương đại và những dự báo về thế giới tương lai trong vòng 20 năm nữa.
Nguồn Dân trí
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.