Hỗ trợ 700.000 USD không hoàn lại cho Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngày 22/3, Hội thảo khởi động Dự án toàn cầu “Hỗ trợ các quốc gia đang phát triển lồng ghép ngành nông nghiệp vào kế hoạch thích ứng quốc gia (NAPs)”, hợp phần Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội.
Dự án này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chủ trì thực hiện, được Chính phủ Đức tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO). Tổng kinh phí dự án: 12.391.574 USD vốn không hoàn lại (8 quốc gia gồm: Kenya, Uganda, Zambia, Uruguay, Nepal, Philippines, Thái Lan và Việt Nam), trong đó, kinh phí dành cho Việt Nam là 700.000 USD.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận định, là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH), thiên tai và ngày nay Việt Nam đang phải đối mặt với tổn thất và thiệt hại, những mất mát vượt ra ngoài khả năng ứng phó ngay cả khi đã áp dụng triệt để các biện pháp thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Theo thống kê, trong 30 năm qua, bình quân hàng năm số người chết và mất tích do thiên tai khoảng 500 người và thiệt hại kinh tế khoảng 1,5% GDP và ước tính thiệt hại có thể từ 3-5% GDP/năm trong thời gian tới.
Thực tế, nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, ổn định chính trị và đảm bảo sinh kế cho hơn 67,7% dân số khu vực nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, nông nghiệp lại là lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất, tác động nặng nề nhất do thiên tai và BĐKH. Những dự báo cho thấy do tác động của BĐKH và nước biển dâng nông nghiệp Việt Nam có nguy cơ giảm 7,2 triệu tấn lúa và ảnh hưởng đến 32,2% diện tích đất nông nghiệp vào cuối thế kỷ này.
Hiện nay, các địa phương và người dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải căng mình đấu tranh với hạn hán khốc liệt ở miền Trung, Tây Nguyên, hạn và xâm nhập mặn nặng nề nhất trong lịch sử hàng trăm năm qua tại đây. Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, gần 50% diện tích khu vực này đã bị ảnh hưởng, gần 200.000 ha lúa bị chết hoặc không cho thu hoạch, do xâm nhập mặn… hàng triệu người dân thiếu nước ngọt và nước sinh hoạt.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC), Kế hoạch thích ứng quốc gia (NAP) được xây dựng trên cơ sở lồng ghép quản lý rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trung và dài hạn ở các quốc gia có liên quan với các mục tiêu về phát triển bền vững, kế hoạch, các chính sách và chương trình. Chúng tôi cho rằng, tiếp cận NAP sẽ là giải pháp dài hạn của các quốc gia đang phát triển như Việt Nam lồng ghép nhu cầu thích ứng trung và dài hạn vào trong các chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia. Để hỗ trợ việc lồng ghép các hoạt động thích ứng liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp trong Kế hoạch thích ứng quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT tham dự dự án toán cầu “Hỗ trợ các quốc gia đang phát triển lồng ghép các lĩnh vực nông nghiệp trong kế hoạch thích ứng quốc gia“.
Bà Louise Chamberlain, Giám đốc Quốc gia UNDP tại Việt Nam chức mừng Việt Nam đã tham gia dự án toàn cầu này vì nó sẽ được hưởng lợi từ các bài học kinh nghiệm của hơn 20 quốc gia khác trên thế giới. Theo bà Louise Chamberlain, hạn hán sâu sắc và mặn xâm nhập tại 39 tỉnh trong 4 tháng qua đã khiến hơn 900.000 người dân không còn được tiếp cận với nguồn cung cấp nước đầy đủ và buộc hàng chục ngàn người rơi trở lại vào sự hỗ trợ của Chính phủ để duy trì lượng thức ăn của họ. Điều này nhấn mạnh tính cấp bách của việc thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm các sự kiện cực đoan.
Cũng theo Giám đốc Quốc gia UNDP, Việt Nam có kinh nghiệm lâu năm và phong phú trong phòng, chống thiên tai. Chính phủ đã thông qua Chiến lược BĐKH quốc gia trong đó ưu tiên cho thích ứng BĐKH. NN&PTNT là lĩnh vực đầu tiên đã thông qua Kế hoạch hành động thích ứng riêng của mình và có được kinh nghiệm đáng kể trong việc thử nghiệm các phương pháp thích ứng và mô hình. Những hành động đặt một nền móng vững chắc cho việc tăng cường khả năng thích ứng của Việt Nam và áp dụng cách tiếp cận sáng tạo để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Nhân dịp này, đại diện UNDP Việt Nam cũng mong muốn Dự án sẽ hỗ trợ việc xác định các khoảng trống chính sách và các cơ hội cho việc tích hợp các yêu cầu thích ứng quan trọng đối với ngành nông nghiệp vào kế hoạch và dự toán ngân sách các quá trình liên ngành và liên ngành. Đồng thời bày tỏ cần sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.
BĐKH và thiên tai không tôn trọng ranh giới hành chính và đòi hỏi sự phối hợp hiệu quả giữa các tỉnh và quản trị sáng tạo, lập kế hoạch và ra quyết định đầu tư. Tại ĐBSCL và khu vực Nam Trung bộ, các giải pháp quản lý tài nguyên nước tổng hợp để chống xâm nhập mặn, tăng lưu trữ nước ngọt, tăng cường quản lý lũ lụt và bảo vệ nguồn nước ngầm sẽ được yêu cầu. Tại các khu vực miền núi, quản lý lưu vực tăng cường và bảo vệ rừng, bao gồm cả việc thực hiện các sáng kiến về Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+), là cần thiết để giúp tăng lượng nước dưới đất và giảm tỷ lệ thất thoát.
Đồng quan điểm này, ông Jongha Bae, Đại diện Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) khẳng định thêm Dự án này là một nỗ lực chung của FAO-UNDP cùng Bộ NN&PTNT để giải quyết các vấn đề của kế hoạch thích ứng quốc gia và đóng góp toàn quốc, thể hiện quyết tâm của Việt Nam./.
Nguồn ĐCSVN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.