Hoàn thiện hơn các quy định về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư

 

 PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến (Ảnh: KN)

 Đóng góp vào Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Dự thảo đang được công bố lấy ý kiến của toàn dân và thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận, trong đó có Chương VI (từ Điều 59 đến Điều 90) về các nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được đặc biệt quan tâm.

Những thành công bước đầu

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, các quy định về thu hồi đất được quy định trong Chương VI, Dự thảo Luật lần này có một số ưu điểm cơ bản, bao gồm:

Đã quy định khá chi tiết, rõ ràng các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vào 5 nhóm: sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh (Điều 59); sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng (Điều 60); thu hồi để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội; thu hồi đất cho vi phạm pháp luật đất đai; thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện. Sự rạch ròi các trường hợp như trên sẽ góp phần hạn chế việc thu hồi đất vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội một cách tràn lan, bồi thường cho người bị thu hồi đất với mức giá bồi thường thấp gây thiệt hại cho người dân.

Bổ sung quy định việc thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, phải căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nhằm ngăn ngừa tình trạng thu hồi đất tràn lan không đem lại hiệu quả kinh tế vì lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Quy định tổ chức phát triển quỹ đất có trách nhiệm lập phương án bồi thường và tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do lãnh đạo UBND cấp huyện làm Chủ tịch Hội đồng và các thành viên bao gồm chủ yếu là đại diện các phòng, ban chuyên môn. Điều này cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi lẽ, UBND cấp huyện vừa có thẩm quyền thu hồi đất vừa xây dựng, thực hiện phương án bồi thường sẽ dẫn đến tình trạng áp đặt ý chí chủ quan “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong việc thực hiện bồi thường cho người bị thu hồi đất.

Bổ sung quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất để giao đất, cho thuê đất theo hình thức chỉ định chủ đầu tư; quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất. Điều này không chỉ giúp chúng ta so sánh, tham chiếu để thấy sự khác nhau về trình tự, thủ tục thu hồi đất giữa hai trường hợp mà còn giúp cho người sử dụng đất có căn cứ pháp lý để giám sát quá trình thực hiện thu hồi đất của cơ quan nhà nước nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất.

Bổ sung quy định về cưỡng chế thực hiện quyết định về kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm; quyết định thu hồi đất nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đúng pháp luật, tránh tình trạng lạm dụng cưỡng chế thu hồi đất gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.

Quy định khá chi tiết về việc tham vấn ý kiến người bị thu hồi đất đối với kết quả điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm diện tích đất và tài sản gắn liền với đất bị thu hồi, phương án bồi thường nhằm tìm kiếm sự đồng thuận của người dân để việc thu hồi được thực hiện nhanh chóng và dễ dàng hơn. Vấn đề này được ghi nhận khá chi tiết và cụ thể tại Điều 69 về trình tự, thủ tục thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất.

Quy định tách bạch các trường hợp bồi thường đối với những loại đất sẽ giúp giảm thiểu khiếu nại của người bị thu hồi đất về giá bồi thường đồng thời giúp người sử dụng đất thuận tiện trong việc theo dõi, giám sát quá trình thực hiện bồi thường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có tuân thủ đúng pháp luật hay không?

Bổ sung quy định về lập khu tái định cư phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ đảm bảo bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn xây dựng. Việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng của khu tái định cư. Điều này khắc phục được tình trạng xây dựng khu tái định cư thiếu cơ sở hạ tầng đồng bộ gây nhiều khó khăn cho người bị thu hồi đất chuyển đến sinh sống tại các khu tái định cư.

Vẫn còn hạn chế cần được tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, bên cạnh những “điểm sáng” về nội dung trên, vẫn còn một số khía cạnh bất cập cần được cân nhắc biên tập, chỉnh sửa lại trước khi trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tháng 5 tới đây.

Theo đó, Điều 69 mặc dù có quy định về tổ chức phát triển quỹ đất và trách nhiệm của tổ chức này lấy ý kiến của người có đất bị thu hồi về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng vẫn có một “kẽ hở” đó là không quy định cụ thể các tiêu chí để xác định số lượng người bị thu hồi đất đồng ý hay không đồng ý với phương án bồi thường do tổ chức phát triển quỹ đất đưa ra. Mặt khác, Dự thảo cũng không quy định rõ chế tài xử lý đối với người có trách nhiệm của tổ chức trên khi không thực hiện việc giải thích rõ phương án bồi thường hoặc không xem xét, điều chỉnh phương án bồi thường… Sự không rõ ràng này khiến người ta nghi ngờ về tác động quy định này trong việc cải thiện và nâng cao tính đồng thuận của người dân, thậm chí nếu không muốn nói chỉ mang tính hình thức mà không có tác dụng thiết thực trong bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người bị thu hồi đất.

Điều 67, chưa nêu rõ giải pháp cụ thể để giải quyết hai trường hợp: chủ đầu tư không thỏa thuận được về giá chuyển nhượng về quyền sử dụng đất với người sử dụng đất; chủ đầu tư nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân khác thì cơ chế thực hiện thế nào…, do đó, Điều 67 ít có tính khả thi.

Dự thảo không giải thích rõ nội hàm khái niệm dự án phát triển kinh tế - xã hội, sẽ tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội để mưu cầu lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Đồng thời cũng cần cân nhắc có thể không nên sử dụng cơ chế thu hồi đất mà thay bằng cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội./.