Hội nghị triển khai Luật An toàn thông tin mạng và Luật Trưng cầu ý dân

Ngày 20/12, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị triển khai Luật An toàn thông tin mạng và Luật Trưng cầu ý dân. Tham dự hội nghị có đại diện Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành; lãnh đạo các huyện, thị, thành; lực lượng vũ trang và báo cáo viên pháp luật các cấp.

1

Ảnh: Minh Trí

Luật An toàn thông tin mạng mạng có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, gồm 8 chương, 54 điều quy định về hoạt động An toàn thông tin mạng; quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về An toàn thông tin; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực và quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng. Luật An toàn thông tin mạng là bước khởi đầu hoàn thiện khung pháp lý về an toàn thông tin một cách đồng bộ, khả thi, phát huy tối đa các nguồn lực để bảo đảm an toàn mạng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội.

Luật Trưng cầu ý dân gồm 8 chương, 52 Điều, được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25/11/2016.  Việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân góp phần tạo ra cơ sở pháp lý đồng bộ và những điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng nhu cầu khách quan trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng về các lĩnh vực với các nước trong khu vực và trên thế giới, việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo điều kiện để Nhân dân có thể tham gia sâu hơn, có tính quyết định với tư cách chủ thể vào những vấn đề quan trọng của đất nước, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

An Phước