Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) kết thúc với nhiều bất đồng và chia rẽ, đặc biệt về vấn đề biến đổi khí hậu và di cư.
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) vừa kết thúc hai ngày nhóm họp tại thành phố Taormina trên đảo Sicily, Italy. Mặc dù đã đưa ra được thông cáo chung trong đó đề cập đến một loạt vấn đề quan trọng nhưng hội nghị lần này vẫn được đánh giá là xuất hiện nhiều bất đồng và chia rẽ giữa các thành viên, đặc biệt về vấn đề biến đổi khí hậu và di cư.
Theo thông cáo chung đưa ra khi kết thúc hội nghị, G7 sẵn sàng tăng cường các biện pháp để đối phó với Triều Tiên nếu nước này không chịu từ bỏ các chương trình hạt nhân của mình, bày tỏ lo ngại về thực tế Triều Tiên đang tăng cường tạo nên mức độ đe dọa mới với hoà bình và ổn định thế giới và mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân, thông qua việc lặp lại và tiếp diễn vi phạm luật pháp quốc tế.
|
Chủ tịch EC Donald Tusk và Tổng thống Mỹ Trump tại hội nghị G7, Belgum, ngày 25/5 (Ảnh: Reuters) |
Các lãnh đạo G7 cũng bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời kêu gọi phi quân sự hóa trên “các thực thể tranh chấp”.
Về cuộc khủng hoảng tại Ukraine, G7 sẵn sàng “áp đặt thêm các biện pháp hạn chế” đối với Nga nếu tình hình tại Ukraine yêu cầu các nước phải làm điều này.
Khi kết thúc ngày làm việc đầu tiên (26/5) trong khuôn khổ hội nghị, các lãnh đạo nhóm G7 cũng đã thông qua một tuyên bố chung gồm 15 điều về đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan trên toàn cầu. Đối phó với chủ nghĩa khủng bố trở thành một chủ đề cấp bách trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh G7 lần này, trong bối cảnh thế giới và đặc biệt là châu Âu đang phải chứng kiến sự đe dọa chưa từng có từ chủ nghĩa khủng bố, mà mới đây nhất là vụ tấn công liều chết làm 22 người thiệt mạng ở Anh hôm 22/5 vừa qua.
Dù ghi nhận sự đồng thuận về nhiều vấn đề then chốt, nhưng hội nghị thượng đỉnh G7 lần này lại kết thúc mà không đạt được thoả thuận quan trọng về đối phó với biến đổi khí hậu do Tổng thống Donand Trump chưa muốn ra quyết định sớm. Các lãnh đạo G7 đã nhất trí cho phép chính quyền của ông Trump có thêm thời gian để quyết định liệu Mỹ có tiếp tục ủng hộ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu hay không. Sáu thành viên G7 sẽ tiếp tục thực thi thỏa thuận này và đợi quyết định từ phía Mỹ, có thể sẽ được đưa ra vào tuần tới. Tổng thống Pháp Emmanuen Macron ngày 27/5 bày tỏ hy vọng Tổng thống Mỹ sẽ tuân thủ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
“Tôi rất quan tâm đến mối quan hệ song phương với Tổng thống Trump cũng như các vấn đề liên quan tới bàn đàm phán của G7. Tôi đã từng nói với ông ấy rằng trong mắt tôi điều tối quan trọng là Mỹ cần xác nhận thỏa thuận này. Ông ấy có thể tiến hành nó theo tốc độ riêng của mình, nhưng điều quan trọng là Mỹ vẫn cần thực hiện đầy đủ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu vì sự cân bằng quốc tế, vì uy tín và lợi ích của Mỹ.”
Ngoài vấn đề biến đổi khí hậu, các lãnh đạo G7 cũng tập trung nhằm thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền mới của Mỹ và các đồng minh gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản trong nhiều vấn đề gai góc khác như thương mại và cuộc khủng hoảng người di cư.
Có thể nói hội nghị lần này nhìn thấy rõ những mâu thuẫn về thương mại toàn cầu, khi ông Trump kiên quyết ủng hộ các biện pháp bảo hộ, cho rằng Mỹ đang phải chịu đựng hậu quả do các quy định thương mại không công bằng từ một số đồng minh phương Tây quan trọng, trong đó có Đức, cũng như từ Trung Quốc và một số nước đang phát triển. Tuy rằng sau đó, nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã đồng ý với thông cáo chung của G7 về việc tái cam kết mở rộng thị trường và “chống chủ nghĩa bảo hộ”.
Bên cạnh đó, bất chấp những nỗ lực chung nhằm giải quyết “bài toán” nhập cư, thì vẫn còn những khác biệt trong quan điểm của lãnh đạo các nước tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 về vấn đề hóc búa này. Mặc dù hội nghị G7 lần này chọn địa điểm tổ chức tại Sicily nhằm nêu bật tính cấp thiết của cuộc khủng hoảng nhập cư, tuy nhiên, theo giới quan sát, dường như ngay cả điều này cũng không ngăn được bất đồng giữa các nước tham dự hội nghị, cản trở mong muốn ra tuyên bố chung của nước chủ nhà Italy về lợi ích và khó khăn của việc nhập cư.
Thêm vào đó, nhiều chỉ trích cũng đã nổ ra xung quanh việc Mỹ muốn áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với người dân đến từ 6 nước có đông người Hồi giáo.
Rõ ràng, bên cạnh những điểm sáng là sự nhất trí cao đối với một số vấn đề quốc tế nóng, thì hội nghị thượng đỉnh G7 lần này vẫn nổi lên rõ những chia rẽ và bất đồng không thể phủ nhận giữa các thành phần tham dự.
Nguồn VOV
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.