Hội nghị hiệp thương lần ba: Thống nhất danh sách 197 người khối Trung ương để bầu đại biểu Quốc hội
Ngày 14/4, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV. Đây là hội nghị cuối cùng để Mặt trận hiệp thương giới thiệu danh sách chính thức những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khoá XIV.
Các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia; Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia tham dự Hội nghị.
* Hoàn thành việc lấy ý kiến của cử tri đối với 197 người
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Ngày 17/3/2016, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần hai để lập danh sách sơ bộ 197 người thuộc khối Trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV. Sau Hội nghị Hiệp thương lần hai, ngày 23/3, Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã gửi biên bản Hội nghị ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trên cả nước đến Hội đồng bầu cử Quốc gia và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành điều chỉnh lần hai về cơ cấu, thành phần, số lượng người tham gia được các cơ quan, tổ chức đơn vị ở Trung ương và địa phương giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV. Bắt đầu từ 13/4 đến hết ngày 17/4/2016, Ủy ban MTTQ các cấp tổ chức Hội nghị hiệp thương lần ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp ở địa phương.
Liên quan đến trách nhiệm của MTTQ tại Hội nghị Hiệp thương lần ba, ngày 10/4/2016, Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có văn bản gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hội đồng bầu cử Quốc gia các tỉnh, thành ủy, Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố và Ban Thường trực MTTQ các tỉnh, thành phố để phối hợp đảm bảo thông tin cần thiết về người ứng cử làm cơ sở cho việc đánh giá sự đáp ứng các tiêu chuẩn ĐBQH, đại biểu HĐND góp phần vào thành công Hiệp thương lần thứ ba chất lượng, đảm bảo quy định.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, để góp phần tiến trình thực hiện các bước trong quá trình bầu cử diễn ra dân chủ, đúng pháp luật, thời gian qua, Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức 6 đoàn giám sát bầu cử tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, để đánh giá tình hình, góp phần chỉ đạo địa phương những nội dung cần thiết liên quan đến vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của MTTQ Việt Nam trong công tác bầu cử. Trong gần một tháng, khối lượng lớn công việc đã được triển khai với tinh thần khẩn trương, tích cực. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Hội đồng bầu cử Quốc gia, các cơ quan tổ chức có liên quan tại Trung ương và địa phương trong việc chuẩn bị tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba.
* Hầu hết những người ứng cử đều được tín nhiệm tuyệt đối
Báo cáo về tình hình và kết quả tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi công tác và nơi cư trú đối với những người ứng cử ĐBQH khóa XIV cho thấy: Các hội nghị cử tri nơi công tác được tiến hành dân chủ, thành phần, số lượng cử tri tham dự đúng quy định. Hội nghị có số lượng cử tri tham dự có số lượng ít nhất là 54 người, hội nghị có số lượng cử tri đông nhất là 151 người.
Kết quả có 192 người được cử tri nơi công tác tín nhiệm 100%, 5 người được cử tri nơi công tác tín nhiệm 97,6% đến 99,3%. 197 người được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV không có các vấn đề, vụ việc cử tri nơi cư trú nêu cần phải xác minh. Về việc tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tính đến ngày 13/4/2016, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhận được 3 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến 5 người ứng cử ĐBQH khóa XIV ở Trung ương. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã xem xét, xử lý theo pháp luật: 4 trường hợp đã gửi đến Hội đồng bầu cử Quốc gia để giải quyết theo thẩm quyền và thông báo cho người gửi đơn; một trường hợp đã gửi cơ quan có trách nhiệm xác minh và đã có kết quả trả lời là phản ánh của cử tri không có căn cứ – vụ việc đã được xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh:TH)
* Các cuộc tiếp xúc cử tri đảm bảo bình đẳng, công khai, minh bạch
Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, việc các cử tri nơi cư trú và nơi công tác tín nhiệm cao đối với các ứng cử viên chứng tỏ cử tri đã rất ủng hộ đối với các ứng cử viên. Các đại biểu đề nghị cần bổ sung, sửa đổi chính xác hơn các chức danh của những người ứng cử để khi công bố danh sách đảm bảo tính chính xác, tránh có ý kiến khác nhau…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, ngày 13/4, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã họp để phân công các đồng chí sau khi kiện toàn Quốc hội và Hội đồng bầu cử Quốc gia. Với với tinh thần, trách nhiệm thẳng thắn, chân thành Hội đồng bầu cử Quốc gia đã thảo luận các nội dung, chương trình công tác từ nay đến bầu cử. Tới đây, theo Luật, chậm nhất ngày 17/4 Mặt trận sẽ có hồ sơ gửi sang Hội đồng bầu cử Quốc gia để công bố danh sách, ngày 26/4 sẽ công bố danh sách… Mọi công việc chuẩn bị cho bầu cử đã được tiến hành công khai, minh bạch, đúng quy trình.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, để chuẩn bị phân bổ trên địa bàn, các đơn vị bầu cử phải đảm bảo đúng tiêu chí. Đây cũng là công việc phải được thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch đặc biệt gắn với các tiêu chí theo quy định, trong đó có tiêu chí giữ vững ổn định, không tập trung các đồng chí lãnh đạo cao cấp một chỗ, phải phân bố đồng đều các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ. Sau hội nghị hiệp thương lần 3, Hội đồng bầu cử Quốc gia phải niêm yết công bố danh sách theo từng đơn vị, rà soát danh sách cho chính xác, nhất là các chức danh được kiện toàn sau khi Quốc hội đã họp, các đơn vị cũng đã bầu. Đây là vấn đề rất cần trong công tác bầu cử.
Đối với việc chỉ đạo tiếp xúc cử tri, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, đây là nội dung quan trọng thuộc trách nhiệm MTTQ Việt Nam. Phải tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri đảm bảo bình đẳng, công khai, minh bạch giữa các cử tri trong quá trình tiếp xúc. Tại đây, các ứng cử viên phải trình bày được quá trình hoạt động của mình nếu trúng cử.
Đồng chí Tòng Thị Phóng cho biết, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã phân công công việc kiểm tra đợt 2, đợt 3 của công tác bầu cử. Theo đó, các đồng chí thành viên phải tập trung tiến hành kiểm tra một cách cụ thể, góp phần tháo gỡ khó khăn trên địa bàn.
* Thống nhất danh sách 197 người khối Trung ương để bầu đại biểu Quốc hội
Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: TH)
Kết thúc Hội nghị hiệp thương lần thứ 3, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thông qua danh sách 197 người người ở khối Trung ương để bầu ĐBQH khóa XIV. Trong đó, Đoàn Chủ tịch đã biểu quyết 1 lần đối với 196 người. Riêng với trường hợp ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, vì còn một số ý kiến khác nhau nên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phải biểu quyết riêng. Lý do khiến một số ý kiến băn khoăn là ông Vân được Ban Bí thư chỉ định làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, tuy nhiên tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương vừa qua, ông Vân chỉ trúng vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương, không trúng vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương. Kết quả, chỉ có 5 người không đồng ý đưa ông Lê Thanh Vân vào danh sách để bầu cử đại biểu Quốc hội. Như vậy, tại hội nghị hiệp thương lần thứ 3, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thông qua danh sách 197 người ở khối Trung ương để bầu ĐBQH khóa XIV.
Theo kế hoạch, sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, các cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử, bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử (27/4/2016) và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7 giờ ngày 21/5/2016).
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương và các tổ chức thành viên của Mặt trận phối hợp với các cơ quan chức năng quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền về bầu cử, tổ chức đa dạng các hình thức phù hợp, góp phần làm cho nhân dân, cử tri hiểu đúng, đầy đủ, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong ngày bầu cử; tiếp tục triển khai công tác giám sát cuộc bầu cử theo chức năng, nhiệm vụ của mình quy định tại Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, Luật MTTQ Việt Nam và kế hoạch về giám sát đã ban hành; phối hợp với chính quyền và Ủy ban bầu cử cùng cấp chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết, bảo đảm dân chủ, đúng luật, tiết kiệm và an toàn trong ngày bầu cử. Kết thúc cuộc bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo công tác Mặt trận tham gia cuộc bầu cử ở cả ba cấp về Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam./.
Nguồn dangcongsan.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.