Hội nghị rút kinh nghiệm công tác đối phó bão số 14
(THTG) Sáng ngày 12/11, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm công tác đối phó bão số 14 ( bão Haiyan) . Ông Nguyễn Văn Khang – Phó Bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Sau khi nhận được tin siêu bão gần biển Đông ngày 7/11, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh đã huy động cán bộ tổ chức trực ban 24/24 và thông báo cho các ngành có liên quan và các phương tiện đánh bắt trên biển biết thông tin bão để chủ động phòng tránh. Chi cục thủy sản, Bộ đội biên phòng nắm bắt thông tin, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Tổng số tàu thuyền trong tỉnh là 1.376 chiếc, trong đó đã vào nơi tránh trú an toàn là 923 chiếc với hơn 4.500 người, số tàu đang hoạt động là 453 tàu với 3.887 người. Tất cả các tàu thuyền thường xuyên nhận được thông báo từ đất liền về vị trí, bán kính ảnh hưởng và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Các địa phương triển khai công tác chằng chống nhà cửa, huyện Gò Công Đông và Thị xã Gò Công đã chằng chống được 131 căn nhà cấp 4 không đảm bảo an toàn. Việc sơ tán dân sống ở ngoài đê, vùng cửa sông, nhà không an toàn đến 17h ngày 9/11 cơ bản đã hoàn thành. Số lượng dân được sơ tán trên 2.945 người, chủ yếu là dân tự đi sơ tán. Đối tượng sơ tán chủ yếu là người già, trẻ em, phụ nữ.
Hạt Quản lý đê điều phân công nhân viên trực 24/24h, thường xuyên kiểm tra các điểm xung yếu và chuẩn bị sẵn sàng vật tư để hộ đê. Công tác tìm kiếm cứu nạn chuẩn bị đầy đủ với các loại phương tiện sẵn sàng ứng phó.
Do bão đi vào vùng biển các tỉnh từ Bình thuận – Quảng Ninh và đổ bộ vào từ Quảng Ninh sau đó di chuyển sâu đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây (trung Quóc) rồi suy yếu thành vùng áp thấp nên tỉnh Tiền Giang không bị thiệt hại do bão. Tuy nhiên, tại cuộc họp này, các thành viên Ban chỉ huy PCLB và các địa phương cũng phân tích những mặt được, những mặt chưa được trong công tác phòng chống bão số 14 để rút kinh nghiệm cho công tác phòng chống bão thời gian tới. Theo đó, công tác thông tin tuyên truyền cần được tập trung đẩy mạnh. Các địa phương cần vận động nâng cao ý thức người dân thực hiện công tác chằng chống nhà cửa, đặc biệt là củng cố lại các phương án di dân. Tăng cường công tác thông tin liên lạc, nắm bắt tình hình hoạt động tàu thuyền, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú, neo đậu an toàn. Cần tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, trong đó lực lượng biên phòng chịu trách nhiệm chính. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác hậu cần, phương tiện hỗ trợ công tác đối phó khi có bão…
Thanh Đào
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.