Hội nghị triển khai các văn bản luật

 

(THTG) Ngày 23/12, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức hội nghị triển khai Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Công an nhân dân và Nghị định số 123 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch. Ông Trần Thanh Đức – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến dự.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật gồm 17 chương, 173 điều, quy định những nguyên tắc, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

Untitled 1

         Ảnh : Anh Tuấn 

Luật Công an nhân dân gồm 7 chương, 43 điều, quy định những nguyên tắc tổ chức, hoạt động; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ, chính sách đối với Công an nhân dân. So với trước đây, Luật Công an nhân dân được ban hành lần này có nhiều điểm mới, trong đó đáng chú ý là công nhận công an xã, phường thị trấn là cấp công an cơ sở, đồng thời quy định hệ thống chức vụ cơ bản trong công an nhân dân phù hợp với đặc thù về tổ chức của công an nhân dân. Luật Công an nhân dân có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015.

`Riêng đối với Nghị định 123 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch được triển khai lần này gồm 5 chương 45 điều, quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch về đăng ký khai sinh, kết hôn, quản lý và sử dụng hộ tịch trong giai đoạn cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa được vận hành thống nhất trên cả nước; Đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha mẹ; trẻ em sinh ra do mang thai hộ…

Đây là những luật rất quan trọng, vì vậy, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các các cơ quan, đơn vị cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến trong các tầng lớp nhân dân, giúp người dân hiểu và nắm bắt được những quy định mới, nhằm sớm đưa những quy định của luật vào cuộc sống.

 

Phúc Huy