Hội nghị trực tuyến các chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2022
(THTG) Chiều ngày 18-10, Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 -2025 tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến cuối năm 2022. Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì hội nghị, tại đầu cầu tỉnh Tiền Giang có ông Nguyễn Thành Diệu – Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang.
Tại hội nghị, Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 -2025 đã thông tin đến các đại biểu dự Hội nghị về kết quả việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian qua. Các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới để các chương trình mục tiêu quốc gia đạt hiệu quả cao. Đại biểu các tỉnh thành cũng đã báo cáo với phó Thủ tướng Chính phủ thường trực Phạm Bình Minh về những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở các địa phương.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến các chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2022 tại đầu cầu Tiền Giang. Ảnh: Lê Long
Tại đầu cầu tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Thành Diệu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trung hạn giai đoạn 2021-2025 với số vốn trên 14 tỷ đồng.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Tiền Giang đã giải ngân trên 24 tỷ đồng , dự kiến đến cuối tháng 1/2023 đạt tỷ lệ 100% kế hoạch.
Các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh Tiền Giang trong thời gian tới :
- Tiếp tục triển khai dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sản giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu.
- Cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
- Phấn đấu đến cuối năm 2022, tỉnh Tiền Giang có thêm ít nhất 5 xã nông thôn mới (nâng số xã đạt chuẩn đến cuối năm 2022 lên 136/142 xã, đạt tỷ lệ 95,1% tổng số xã trên địa bàn tỉnh), ít nhất 9 xã nông thôn mới nâng cao (nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đến cuối năm 2022 là 37 xã, đạt tỷ lệ 26,01% tổng số xã trên địa bàn tỉnh
Công Luận
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.