Hội nghị trực tuyến Tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay- chân- miệng.


       Sáng ngày 25/5/2012, Bộ Y tế  đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay- chân- miệng, do  Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì cùng với PGS-TS Nguyễn Thanh Long và sự tham gia của 39 tỉnh, thành phố tại 20 điểm cầu trong toàn quốc. Tại đầu cầu Tiền Giang có bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo UBND tỉnh Long An và Ban chỉ đạo Phòng chống dịch tham dự.

PGS-TS Nguyễn Thanh Long đã báo cáo khái quát tình hình công tác phòng, chống bệnh tay- chân- miệng (T-C-M) 5 tháng đầu năm 2012. Số mắc tích lũy từ đầu năm 2012 đến 18/5/2010 cả nước đã ghi nhận 46.277 trường hợp mắc T-C-M tại 63 địa phương; có 27 trường hợp tử vong tại 13 tỉnh, thành phố là An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bình Định, Đắk Lắk, Bình Phước…; tỉ lệ chết/100 dân là 0,02; tỉ lệ chết/ mắc là 0,08.

Nhận định 7 tháng cuối năm 2012, bệnh T-C-M có diễn biến phức tạp trên diện rộng với số mắc cao, do những nguyên nhân: Bệnh do virus đường ruột, lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp. Có những típ virus gây bệnh, một người có thể mắc nhiều típ virus khác nhau, đặc biệt sự lưu hành của tuýp virus EV 71 cao, nên có nguy cơ diễn biến bệnh cảnh lâm sàng nặng, dễ gây tử vong. Bệnh lưu hành rộng ở các địa phương trong nước và các quốc gia trong khu vực. Theo kết quả của một số nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ người lành mang trùng trong các ổ dịch cao tới 71%, thời gian thải trùng kéo dài tới 6 tuần, tỷ lệ người chăm sóc trẻ áp dụng biện pháp rửa tay phòng chống bệnh còn thấp, chưa có vacxin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng chống dịch không đặc hiệu. Hiện nay, bệnh T-C-M đang có xu hướng tăng cao tại nhiều nước trong khu vực như Nhật Bản, Singapo, Trung Quốc.

Tại Tiền Giang, trong 5 tháng đầu năm 2012, số mắc T-C-M tăng 231%, nhưng không  tử vong. Tỉnh đã tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống và đề xuất Trung ương tiếp tục tăng cường giám sát, chỉ đạo tuyến, hỗ trợ trong việc xây dựng kế hoạch, chiến lược phòng, chống, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ. Nghiên cứu, theo dõi, dự báo tình hình bệnh và các khuyến cáo phù hợp theo đặc điểm của từng vùng, miền và từng giai đoạn về hoạt động phòng, chống, hỗ trợ hóa chất, trang thiết bị, vật tư cho địa phương. Đưa hoạt động phòng chống bệnh T-C-M vào dự án Mục tiêu Quốc gia về y tế.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã nêu kinh nghiệm và giải pháp phòng chống bệnh T-C-M trong thời gian qua và đề xuất, kiến nghị những giải pháp để phòng chống bệnh T-C-M có hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên chỉ đạo: Sở Y tế các tỉnh, thành tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo công tác phòng chống dịch T-C-M đúng theo chỉ đạo của Chính phủ, thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống dịch T-C-M, đầu tư kinh phí cho công tác chống dịch. Tham mưu kịp thời cho Chủ tịch UBND tỉnh về diễn biến T-C-M, đề xuất các giải pháp trọng tâm trong phòng, chống dịch, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành và cộng đồng cùng tham gia phòng chống dịch; rà soát các trang thiết bị cần bổ sung. Các tỉnh phải phấn đấu giảm tỉ lệ mắc bệnh và không có trường hợp tử vong. Cục Y tế Dự phòng tiếp tục chỉ đạo công tác tổng thể phòng chống dịch, giám sát chặt chẽ tình hình và xử lý kịp thời. Các Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tiếp tục phối hợp với y tế dự phòng và các phương tiện thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch T-C-M, làm cho cộng đồng nhận biết bệnh, hiểu rõ cách thức phòng, chống, tập trung thay đổi hành vi, thực hiện ăn sạch- ở sạch và đồ chơi sạch cho trẻ; thông tin phải bảo đảm chính xác, không gây hoang mang. Các bệnh viện tập trung công tác đào tạo, tập huấn về bệnh T-C-M, cập nhật phác đồ điều trị, phân tuyến điều trị, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc. Sở Y tế cần chỉ đạo các bệnh viện thành lập khu điều trị riêng cho bệnh T-C-M,…Tất cả những nỗ lực nhằm giảm tỉ lệ mắc bệnh T-C-M và quyết tâm không để trường hợp tử vong .