Hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Sáng ngày 6/6, dưới sự chủ trì của Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, Ban Bí thư Trung ương Đảng CSVN tiến hành hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Tại Tiền Giang, ông Trần Văn Bảnh – Ủy viên thường vụ trực, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy và ông Lê Văn Hưởng – Phó Chủ tịch UBND Tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể và đại diện thường trực UBND cấp huyện tham dự hội nghị.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 – khóa 9, sau 10 năm thực hiện tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khu vực kinh tế tập thể có những chuyển biến tích cực. Tính đến hết năm 2011, cả nước có trên 37.000 Tổ hợp tác, thu hút khoảng 3 triệu thành viên; có khoảng 19.500 hợp tác xã, 54 liên hiệp hợp tác xã, tăng trên 4.600 HTX so với năm 2001; thu hút khoảng 10 triệu xã viên và giải quyết việc làm cho trên 2 triệu người lao động. Các tổ chức kinh tế tập thể đã từng bước khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.Mặc dù vậy, kinh tế tập thể vẫn chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài. Tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tập thể chậm, thiếu ổn định, tỉ lệ đóng góp vào GDP của cả nước giảm dần, không đạt được mục tiêu Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) đề ra. Nguyên nhân của tình hình nầy là do nhận thức về phát triển kinh tế tập thể của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu chưa đầy đủ, chưa thống nhất; ý thức trách nhiệm còn thấp; đánh giá về kinh tế tập thể chưa toàn diện, chưa thấy được vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh, quốc phòng. Năng lực của các tổ chức kinh tế tập thể còn yếu. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể còn nhiều hạn chế, bộ máy phân tán, hoạt động kém hiệu quả; khung pháp luật và chính sách phát triển kinh tế tập thể còn nhiều bất cập. Vai trò, trách nhiệm của Liên minh Hợp tác xã, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân chưa được phát huy.
Tại hội nghị, ông Trần Đỗ Liêm – Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Rạch Gầm – tỉnh Tiền Giang đã phát biểu tham luận khẳng định con đường kinh tế hợp tác mà đơn vị nầy đã thực hiện thành công trong suốt 34 năm qua. Theo đó, từ năm 1979 đến nay, HTX Rạch Gầm luôn là đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực kinh tế hợp tác của tỉnh và kiên trì thực hiện phương châm “Xã viên giàu có, HTX giàu mạnh và phát triển bền vững”.
Để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, đưa kinh tế tập thể thực sự là thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế quốc dân, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Lê Hồng Anh đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, các ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt 5 giải pháp cơ bản gồm: Thống nhất và nâng cao nhận thức về bản chất, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã; Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong phát triển kinh tế tập thể; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể từ Trung ương đến địa phương; Tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Hợp tác xã, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; Tăng cường vai trò, trách nhiệm của tổ chức Liên minh Hợp tác xã, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, hội, hiệp hội trong phát triển kinh tế tập thể.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.