Hội nghị trực tuyến triển khai Luật Tiếp công dân
(THTG) Ngày 19/9, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, Luật Tiếp công dân năm 2013, Nghị định số 64 của Chính phủ, Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân và các văn bản quy định pháp luật có liên quan về công tác Tiếp công dân. Ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.
Ở đầu cầu tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Danh, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; bà Trần Kim Mai, UVTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh và các huyện, thị, thành tham dự.
Chỉ thị số 35, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã nhận xét, đánh giá công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thời gian qua, đồng thờiBộ Chính trị yêu cầu các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Luật Tiếp công dân năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014 và Nghị định 64 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2014. Đây là lần đầu tiên Luật Tiếp công dân được ban hành và quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của công dân và quyền, nghĩa vụ của cán bộ tiếp công dân. Theo đó, cán bộ tiếp công dân phải có nghĩa vụ hướng dẫn công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết. Luật quy định trách nhiệm chung của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác tiếp công dân; trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của Thủ trưởng các bộ, ngành Trung ương và các sở, ngành địa phương, của Chủ tịch UBND các cấp; Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do Ban tiếp công dân chuyển đến; Luật cũng quy định trách nhiệm tiếp công dân, xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung.
Triển khai thi hành Luật Tiếp công dân sẽ từng bước hạn chế tình trạng công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh kéo dài, và đồng thời cũng góp phần giữ vững ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.
An Phước
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.