Hội thảo Định hướng chiến lược sử dụng Vacxin trong vùng an toàn dịch bệnh động vật
(THTG) Ngày 23-8, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang tổ chức hội nghị “Định hướng chiến lược sử dụng vacxin trong xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật” với sự tham gia của các nhà quản lí, nhà khoa học, doanh nghiệp chuyên doanh thuốc thú y các tỉnh: Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Tây Ninh va Tp. Hồ Chí Minh.
Tiền Giang và các tỉnh Nam bộ có nhiều lợi thế về chăn nuôi gia súc, gia cầm và đây cũng là nguồn thu nhập ổn định cho nông hộ. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, nhất là với yêu cầu ngày càng khắc khe của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm động vật, hướng đến tiềm năng xuất khẩu thì vấn đề xây dựng vùng nuôi an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi rất cần thiết.
Cùng với giải pháp chủ yếu là tiêm phòng vacxin thì ngành chăn nuôi và thú y các tỉnh đang đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chăn nuôi.
Quang cảnh hội nghị “Định hướng chiến lược sử dụng vacxin trong xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật”. Ảnh: Minh Nguyên
Điển hình như tỉnh Tây Ninh đã xây dựng và chứng nhận cho nhiều xã, huyện đạt chuẩn vùng nuôi an toàn dịch bệnh động vật, bao gồm: huyện Dương Minh Châu an toàn đối với cúm gia cầm và newcastle trên gà, 9 xã của huyện Bến Cầu an toàn với bệnh lở mồm long móng, 6 xã của huyện Gò Dầu an toàn với cúm gia cầm, đồng thời xây dựng được 3 chuỗi cung ứng thịt heo an toàn. Đây là các mô hình kiểu mẫu trong phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn và đạt hiệu quả kinh tế bền vững ở phía Nam.
Riêng bệnh dại trên chó mèo là bệnh đặc thù, tuy không gây thiệt hại nặng nề về hiệu quả kinh tế như các bệnh khác, song bệnh dại rất nguy hiểm, có thể gây tử vong cho người. Vì vậy, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành chăn nuôi và thú y các tỉnh. Đối với địa bàn có số lượng chó nuôi nhiều nhất Nam bộ, thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng thành công 5 xã/phường thuộc 7 quận an toàn với bệnh dại. Trong đó, giải pháp chủ lực nhất là tiêm phòng vacxin cho chó mèo đạt tỷ lệ bảo hộ bệnh.
Chăn nuôi ở Nam bộ đang chuyển đổi mạnh mẽ từ nhỏ lẻ sang trang trại, từ thói quen truyền thống sang công nghệ cao, an toàn sinh học nên cùng với công tác quản lí, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi của ngành thú y thì rất cần sự phối hợp, tham gia của các cấp chính quyền và của người dân để xây dựng thành công các vùng an toàn dịch bệnh động vật. Từ đó hình thành phương thức chăn nuôi mới, giảm rủi ro, giảm chi phí sản xuất để tăng thêm lợi nhuận chăn nuôi, nhất là thực hiện có hiệu quả chương trình tiêm vacxin phòng chống các bệnh nguy hiểm trên động vật đạt tỷ lệ bảo hộ và an toàn dịch bệnh.
Kim Nữ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.